Cải tạo chất lượng đàn bò: Góp phần nâng hiệu quả chăn nuôi
– Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Nhằm phát huy thế mạnh đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối với trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) các huyện, UBND các xã trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Mô hình đã góp phần nâng hiệu quả chăn nuôi và tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với TTDVNN huyện Bắc Sơn triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT tại 2 xã: Tân Lập và Tân Hương. Mô hình được thực hiện với quy mô 200 con bò cái của 143 hộ dân. Kết quả triển khai mô hình cho thấy, bê sinh ra bằng phương pháp TTNT được cải thiện rõ rệt cả về tầm vóc và khả năng kháng bệnh.
Người dân thôn Ba Xã, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan chăm sóc bò cái sinh sản tham gia mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT
Anh Đoàn Minh Quang, thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2021, gia đình tôi tham gia mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT với tổng số 3 con và đều thành công. Giữa năm 2022, cả 3 con bò cái đều đã sinh được bê. Qua quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy, bê được sinh ra bằng phương pháp này rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt và giá bán cũng cao hơn nhiều so với bê không lai tạo. Cụ thể, đầu năm 2023, gia đình tôi đã bán 2 con bò lai 7 tháng tuổi với giá gần 10 triệu đồng/con (tăng gấp đôi so với giống bò địa phương cùng độ tuổi). Với chất lượng và giá bán cao như vậy, năm 2022, gia đình tiếp tục thực hiện kỹ thuật này.
Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc TTDVNN huyện Bắc Sơn cho biết: Mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT tại xã Tân Lập và Tân Hương đã đem lại kết quả tích cực. Do vậy, năm 2022, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại 4 xã: Bắc Quỳnh, Trấn Yên, Vũ Lăng, Chiêu Vũ với tổng số 244 con (tỷ lệ TTNT thành công đạt 100%). Để giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện tiếp cận được với kỹ thuật TTNT, năm 2023, chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình tại 10 xã, nâng tổng số xã có mô hình lên 16/18 xã.
Tiếp nối thành công của mô hình tại huyện Bắc Sơn, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với TTDVNN huyện Văn Quan triển khai mô hình tại 3 xã: An Sơn, Tân Đoàn, Tràng Phái với quy mô 190 con bò cái. Kết quả, 141 con đã được thụ tinh nhân tạo thành công (đạt 74,2%). Đến nay, 17 con bò cái đã sinh ra bê.
Ông Liễu Văn Bình, thôn Ba Xã, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan cho biết: Năm 2022, được xã tuyên truyền, gia đình tôi tham gia mô hình với tổng số 3 con bò cái. Gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ TTNT mà còn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn bò… Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, 3 con bò của gia đình đều được TTNT thành công với giống bò Angus. Tháng 4/2023, đã có 1 con bê được sinh ra khỏe mạnh. Hiện dù chỉ mới hơn 1 tháng tuổi nhưng bê lai đã đạt trọng lượng khoảng 70 kg (nặng gấp đôi so với bê không lai tạo).
Không chỉ ở huyện Bắc Sơn và Văn Quan, tháng 3/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình tại huyện Bình Gia với 7 xã, thị trấn gồm: Bình La, Mông Ân, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Tân Văn, Minh Khai và thị trấn Bình Gia. Mô hình được thực hiện với quy mô 160 con bò cái, với 72 hộ tham gia. Đến nay, đã có 54 con bò cái được TTNT thành công.
Như vậy, tính từ năm 2021 đến nay, mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT đã được triển khai tại 3 huyện. Từ mô hình, đến nay đã tạo ra được 185 con bê lai và tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đây là năm thứ 3 trung tâm triển khai thực hiện mô hình. Để hỗ trợ người dân, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia mô hình. Cùng đó, trung tâm cũng phối hợp tổ chức rà soát, lựa chọn bò cái đủ tiêu chuẩn để tham gia mô hình; tập huấn kỹ thuật và các kiến thức phục vụ quá trình TTNT trên đàn bò cho người dân; hỗ trợ công dẫn tinh viên và 70% vật tư chăn nuôi như: cám hỗn hợp, đá liếm… Từ hiệu quả của mô hình, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân rộng mô hình tại tất cả các huyện có đàn bò trên địa bàn tỉnh.
Mô hình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần cải tạo chất lượng đàn bò, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ý kiến ()