Cái tâm “từ mẫu” của một điều dưỡng
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nội I Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
Tình yêu nghề điều dưỡng của Nguyễn Thị Oanh bắt đầu từ những đêm thức trắng chăm sóc cho người mẹ bị bệnh hen phế quản. Được sự khuyến khích của bố, học xong cấp THPT, cô thi vào học Khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn. Tốt nghiệp năm 2003, cô vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn. Tuy là một nghề độc lập, song để điều trị cho bệnh nhân, ngoài sự phối hợp tốt với bác sĩ điều trị, thực hiện nghiêm túc y lệnh trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng viên phải thật tinh ý, năng động và đặc biệt phải có tấm lòng của một lương y. Nghiêm túc trong công việc, tình yêu nghề, yêu người thiết tha đã giúp cô vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Năn 2006, cô tiếp tục thi vào Đại học Y Thái Nguyên và sau 4 năm học, kiến thức về điều dưỡng thêm vững vàng và cô lại càng thêm yêu cái nghề “làm dâu trăm họ” này. Tốt nghiệp đại học, trở lại cái nơi mà mình đã gắn bó trong lúc toàn ngành y tế đang thực hiện và đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào chiều sâu, cô cùng các đồng nghiệp không chỉ dừng lại ở bước “học tập” mà vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc cụ thể hằng ngày.
Trọng trách Điều dưỡng trưởng quán xuyến toàn bộ công tác tổ chức chăm sóc người bệnh tại khoa khiến cô bận rộn hơn. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo khoa, với trình độ và khả năng của mình và bằng tình thương yêu đồng nghiệp, tấm lòng với bệnh nhân, cô sắp xếp, phân công hợp lý anh chị em điều dưỡng làm tốt công việc chuyên môn, từ tiếp nhận quản lý y cụ, thuốc men, trang thiết bị, vật tư tiêu hao của khoa đến chăm sóc người bệnh. Tâm sự với chúng tôi, Oanh nói rằng: người điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ gần nhất, nhiều nhất; và như vậy, hình ảnh của người điều dưỡng chính là hình ảnh của bệnh viện. Kỹ năng giao tiếp và nâng cao văn hóa ứng xử trong bệnh viện phải được đội ngũ điều dưỡng thực hiện trước hết “Đến đón tiếp ân cần, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”. Vì vậy, bản thân cô phải luôn tự răn mình không chỉ đau với nỗi đau của bệnh nhân mà phải có những biện pháp về chuyên môn và nâng cao tình thương và trách nhiệm trong công tác chăm sóc để giảm bớt nỗi đau cho họ. Khoa Nội I có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là tim mạch như suy tim từ độ 1 đến độ 4, vận dụng tốt tâm lý y đức, một sự chỉ dẫn chăm sóc, một lời động viên chia sẻ sẽ như một liều thuốc bổ để bệnh nhân mau bình phục. Lời nói và hành động của cô điều dưỡng trưởng đã có sức lan tỏa trong đội ngũ điều dưỡng, hộ lý trong khoa, họ học cô từ chuyên môn đến phong cách ứng xử, từ lời nói êm ái, dễ nghe đến bước chân nhẹ nhàng. Sự cẩn thận, nhiệt tình chu đáo cộng với kiến thức quản lý ngày càng vững vàng đã khiến cô trưởng thành, được lãnh đạo khoa và lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao. Năm 2014, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2010 đến năm 2013, cô liên tục được Sở Y tế tặng giấy khen, năm 2014 và 2015, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2015, cô là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bác sĩ Lương Quốc Duy, Trưởng Khoa Nội I nhận xét: “Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh là một người tận tâm với công việc, một cán bộ quản lý đầy tiềm năng…”.
Mới 35 tuổi đời, hơn 10 năm trong nghề, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh đã có những thành công bước đầu và nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng. Song theo cô, phần thưởng lớn nhất là sự đánh giá cao của bệnh nhân và người nhà của họ đối với cô và đội ngũ điều dưỡng của khoa; niềm vui lớn nhất của cô là sự hài lòng của bệnh nhân. Mỗi khi thấy nụ cười và ánh mắt lấp lánh của họ, trong thâm tâm, cô hiểu rằng, đó là phần thưởng cho cái tâm từ mẫu của người điều dưỡng.
Ý kiến ()