Cái nôi thắp sáng những tài năng khoa học
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là nơi tiên phong xây dựng và hoàn chỉnh các mô hình đào tạo tài năng liên tiếp từ học sinh phổ thông năng khiếu đến đại học các hệ chất lượng cao, khoa học tài năng và chuẩn quốc tế. Trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất là đào tạo hệ cử nhân khoa học tài năng.
Theo số liệu thống kê tình hình công tác đào tạo các chương trình tài năng, tiên tiến, chất lượng cao,chuẩn quốc tế đến ngày 30-6-2017, ĐHQGHN có 32 ngành bậc đại học, trong đó có 4 ngành tài năng; 19 ngành chất lượng cao; 3 ngành tiên tiến; 6 ngành chuẩn quốc tế và 2 chuyên ngành bậc sau đại học có chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Số sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế là 2.101, chiếm 10,72% tổng số sinh viên chính quy toàn ĐHQGHN. Trong đó, sinh viên tài năng chỉ đào tạo ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với 4 ngành là Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học với 204 sinh viên xuất sắc nhất của các ngành này đang theo học.
GS,TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết: Trong các chương trình đào tạo hệ đặc biệt của ĐHQGHN, có thể đánh giá, hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng có chất lượng và thành tích tốt nhất, được xã hội trong nước và quốc tế công nhận. 100% sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng và số đông sinh viên tốt nghiệp các hệ tiên tiến, chất lượng cao… đã nhận được học bổng để đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài. ĐHQGHN là một trong hai cơ sở đào tạo đại học của cả nước có nhiều sinh viên được nhận học bổng của Vietnam Education Foundation (VEF) đi học thạc sĩ và tiến sĩ tại Hoa Kỳ nhất. Các giáo sư nước ngoài trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ đánh giá rất cao năng lực của các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng.
Các sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đạt trình độ ngang tầm quốc tế, nhiều sinh viên được công nhận kết quả học tập và được chuyển sang học tiếp ở Đại học Bách khoa Paris, nhiều sinh viên được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản…Đến nay, nhiều cựu sinh viên đã trở thành những cán bộ giảng dạy, những nhà khoa học trẻ xuất sắc, những nhà lãnh đạo của các trường đại học, tổ chức ở trong và ngoài nước, tiêu biểu như TS Trần Đình Phong (tài năng Hóa học K3) có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Materials; TS Lã Đức Việt (tài năng Toán học K2) hiện là Phó Viện trưởng Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TS Đàm Quang Minh (tài năng Địa chất K1) nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH FPT; PGS Trương Đình Đức (tài năng Hóa học) là nhà khoa học xuất sắc tại ĐH Tohoku, Nhật Bản; GS Nguyễn Ngọc Hưng (tài năng Toán học K1) – giáo sư tại Hoa Kỳ; TS Nguyễn Đức Trung Kiên (tài năng Vật lý K1) – Phó Viện trưởng Viện Tiên tiến và Khoa học công nghệ (AIST), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; PGS Nguyễn Văn Duy (tài năng sinh học K3) là Phó viện trưởng viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường ĐH Nha Trang…
Theo thống kê từ năm 2012 đến nay, hơn 50% số nghiên cứu sinh các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án tiến sĩ đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết. Có thể nói, đối với các hệ đặc biệt, ĐHQGHN đã gắn đào tạo với nghiên cứu; không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng, mà trang bị và rèn luyện cho người học phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề vừa sâu, rộng lại hiện đại; tạo được môi trường tự do học thuật và sáng tạo, đồng thời trang bị các kỹ năng và quan trọng nhất là chú trọng phát triển tầm nhìn cho người học.
Cùng với việc đào tạo không áp dụng máy móc theo khuôn mẫu của nước ngoài mà có sự gắn kết, xuất phát từ thực tiễn kết hợp với đổi mới tư duy, phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên để tìm ra những giải pháp đột phá nhằm vượt khó khăn, khai thác triệt để mọi nguồn lực và tìm ra những bước đi phù hợp hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam và của đơn vị đào tạo, các chương trình đào tạo hệ đặc biệt của ĐHQGHN thật sự đa dạng, phong phú và trở thành cái nôi để thắp sáng những tài năng.
Từ năm 1995, chương trình đào tạo Cử nhân khoa học tài năng được ĐHQGHN bắt đầu xây dựng và chuẩn bị thực hiện như một giải pháp đột phá thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài khoa học công nghệ nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung. Đến năm 1997, dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” chính thức tuyển sinh, đào tạo sinh viên và năm 2001, được ĐHQGHN mở rộng đến các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc với dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng” được nhà nước phê duyệt. Chương trình đào tạo tài năng bậc đại học tổ chức đào tạo những sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản thông qua việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên giỏi để thực hiện một chương trình đào tạo đặc biệt ngang tầm quốc tế vừa rộng vừa sâu bằng phương pháp dạy và học tiên tiến. Hệ này dành cho các ngành khoa học cơ bản cốt lõi để tạo nguồn nhân tài khoa học. Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của ĐHQGHN được thiết kế, tiếp cận và đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong nhóm 100 trường đại học xếp hạng cao nhất thế giới. Chương trình này được thiết kế riêng đối với những sinh viên xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản, với 160 đến 170 tín chỉ, yêu cầu về trình độ cao hơn, nội dung rộng và sâu hơn so với chương trình chuẩn. Chuẩn đầu ra của chương trình cũng cao hơn chương trình chuẩn. Ví dụ, chuẩn đầu ra tiếng Anh là C1 (tương đương 6.5 IELTS). Ngoài việc trang bị kiến thức sâu rộng, sinh viên được nâng cao trình độ tiếng Anh và Tin học cũng như các kỹ năng mềm khác (yêu cầu của ĐHQGHN về chuẩn đầu ra là sinh viên tối thiểu có chứng chỉ 5 kỹ năng mềm/100 kỹ năng được định dạng đào tạo). Để thúc đẩy và nuôi dưỡng tình yêu khoa học của sinh viên, ĐHQGHN đã tập hợp được đội ngũ các thầy, cô giáo giỏi, các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài ĐHQGHN tham gia vào đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao. Một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới, từng đạt giải Nobel đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với sinh viên các khóa đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên như: GS.James W.Cronin (Nobel 1980); GS.Klaus Von Klitzing (Nobel 1985); GS.Norman Ramsay (Nobel 1989); GS. Jerome Friedman (Nobel 1990). Việc đào tạo chất lượng và trình độ cao luôn được gắn với nghiên cứu khoa học thông qua các nhóm nghiên cứu, các trường phái học thuật. Bên cạnh đó, hệ thống giáo trình, bài giảng được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Nhiều môn học đã sử dụng giáo trình dịch hoặc nguyên bản bằng tiếng nước ngoài. Cơ sở học liệu dùng cho sinh viên học ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành khá đầy đủ. ĐHQGHN đã dành kinh phí lớn cho việc mua các sách, tạp chí khoa học, tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài…, ưu tiên cho các ngành đào tạo đặc biệt. Đến nay, ĐHQGHN đã có hệ thống các phòng nghiên cứu hiện đại, hơn 60 phòng học chuẩn, hàng trăm nghìn học liệu; thiết lập hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trên địa bàn cả nước cũng như hợp tác với hơn 200 cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín trên thế giới. Vì vậy, tất cả sinh viên chương trình đào tạo đặc biệt đều tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu. Nhiều sinh viên đã đoạt giải cao của ĐHQGHN, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nghiên cứu khoa học và đã có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước. |
Ý kiến ()