Cai Kinh: Tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả
(LSO) – Tận dụng tiềm năng, thế mạnh, những năm qua, người dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đã đưa nhiều loại cây ăn quả mới vào trồng và mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, Cai Kinh là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện. Cùng với mở rộng diện tích, xã chú trọng sản xuất sạch, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó đem lại thu nhập cao cho bà con.
Tháng 10 này, gia đình bà Triệu Thị Tít, thôn Đồng Ngầu đang bước vào vụ thu hoạch cam Vinh. Gia đình bà Tít chính là hộ đầu tiên đưa cây cam Vinh về trồng tại xã. Bà Tít chia sẻ: “Năm 2012, được giới thiệu của người quen, tôi về chợ Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mua 200 gốc cam Vinh về trồng thử. Sau 3 năm, cây cho thu hoạch và được thị trường ưa chuộng, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được 5 – 8 tấn, với giá bán 10 – 20 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài cam Vinh, hiện gia đình tôi còn có trên 1.500 gốc cam đường Canh đang cho thu hoạch, hằng năm, thu nhập 400 – 500 triệu đồng từ vườn cây ăn quả”.
Người dân thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh chăm sóc na
Không chỉ gia đình bà Tít, nhiều hộ dân trong xã Cai Kinh đã chủ động chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam và một số loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như: táo đại, bưởi Diễn…
Ông Nông Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Với định hướng phát triển cây ăn quả là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, năm 2019, xã Cai Kinh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, do vậy, mô hình trồng cây ăn quả được xã xác định là mô hình sản xuất đem lại thu nhập cho bà con.
Để tạo điều kiện giúp người dân phát huy lợi thế cây ăn quả, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con (tính từ đầu năm 2019 đến nay đã tổ chức được 4 lớp). Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, việc phát triển cây ăn quả ở xã được căn cứ vào tình hình thực tế để quy hoạch thành vùng phát triển các loại cây trồng nhằm phát huy tối đa lợi thế. Cụ thể, các thôn vùng núi đá như: Ba Nàng, Đồng Ngầu, Làng Dãn tập trung phát triển cây na; các thôn vùng núi đất như: Vân Tảo, Hồng Châu, Đồng Bến phát triển cây bưởi, táo, cam…
Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của xã cùng sự năng động của người dân, diện tích cây ăn quả của xã ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2015, toàn xã chỉ có khoảng 200 ha cây ăn quả thì đến nay, diện tích cây ăn quả của xã đạt 425 ha, với các loại cây chủ yếu như: na 173,3 ha; bưởi 75,3 ha; cam 51,2 ha; táo 26,1 ha…
Nhờ phát triển mô hình trồng cây ăn quả, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã có thu nhập cao, từ 200 – 500 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như hộ các ông: Nông Văn Lâm, Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu; Triệu Văn Trường, thôn Ba Nàng; Nguyễn Văn Cương, thôn Hồng Châu; hộ bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Vân Tảo… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/người/năm, từ đó đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Cai Kinh là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện. Do vậy, nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm để quảng bá ra thị trường, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, phòng đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu hoa quả tươi xã Cai Kinh. Cụ thể, hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 21 ha và 50 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP…
Ý kiến ()