Cái khó bó cái khôn
LSO-Có thể nói nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Lạng Sơn chủ yếu từ nước láng giềng Trung Quốc.
Quá trình thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Lạng Sơn diễn ra ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, năm 1991 Lạng Sơn đã thu hút được 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 96.600 USD. Từ năm 1991 đến nay, toàn tỉnh thu hút được 69 dự án với tổng số vốn đăng ký 304.446.348 USD. Giai đoạn 2001-2010, bức tranh thu hút đầu tư từ nước ngoài có chuyển biến tích cực. Thế nhưng những giai điệu vui ấy không kéo dài được bao lâu.
![]() |
Sản xuất khung nhựa tại Công ty Hưng Long (doanh nghiệp đầu tư FDI) |
Cho đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 29 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài còn hiệu lực với số vốn đăng ký 225,671 triệu USD. Trong đó 16 dự án hoạt động ổn định, 2 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, 6 dự án đang tạm dừng hoạt động, 1 dự án không hoạt động, 4 dự án gặp khó khăn vướng mắc. Nhìn tổng thể bức tranh đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang kém những gam màu tươi mới. Trong những năm qua, một phần việc thu hút đầu tư có hiệu quả chính là việc tỉnh đã trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp đầu tư. Thế nhưng với một tỉnh miền núi biên giới, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI khá khó khăn, cái khó ấy đã tác động không nhỏ đến hiệu quả thu hút đầu tư.
Theo ông Hoàng Trung, Giám đốc Liên doanh Sơn Đức thì cái cần nhất của các nhà đầu tư ở Việt Nam cũng như Trung Quốc là cần có mặt bằng. Về điều này, với tỉnh miền núi để có mặt bằng sạch đủ điều kiện thu hút đầu tư không hề dễ. Hầu hết các nhà đầu tư phải tự tìm kiếm mặt bằng, chủ động trong giải phóng mặt bằng. Như vậy khiến cho các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Về phía tỉnh, mặc dù nỗ lực hỗ trợ các nhà đầu tư nhưng do thiếu bộ phận chuyên trách, chính sách về đất đai có nhiều thay đổi nên sự hỗ trợ chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn còn nặng tính đầu tư theo phong trào, chưa nghiên cứu kỹ thị trường nên khi gặp khó họ đầu tư cầm chừng, nhiều dự án kém hiệu quả tạo ra tiền lệ không tốt cho các dự án đầu tư tiếp theo.
Tính lũy kế từ năm 2001 đến nay, các dự án thực hiện giải ngân thấp, mới đạt khoảng trên 91 triệu USD, đạt 40% tổng vốn đầu tư. Ngoài khoản nộp ngân sách 2 triệu USD, lợi nhuận các doanh nghiệp thu được không đáng kể. Do không có vốn tái đầu tư sản xuất nên dù kích cầu, thực hiện các biện pháp kinh doanh năng động đến mấy họ cũng không tạo ra được thị trường cho sản xuất, đầu tư. Việc đầu tư kém hiệu quả đã làm cho các doanh nghiệp đang có hướng đầu tư phải cân nhắc, cầm chừng. Một số doanh nghiệp tìm hướng đầu tư theo kiểu dò đá qua sông, vừa thăm dò vừa chọn hướng đầu tư an toàn. Cái khó ấy đã làm cho đầu tư FDI không có hướng đột phá. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, chưa thu hút thêm được dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nào.
Theo ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, tỉnh đã tìm mọi biện pháp kêu gọi đầu tư FDI như mở các cuộc hội thảo tại Trung Quốc, kêu gọi xúc tiến đầu tư vào 3 tỉnh, kêu gọi đầu tư vào Lạng Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng đầu tư FDI vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm kêu gọi đầu tư của tỉnh, cũng có những dự án đang tiếp tục triển khai. Hy vọng trong thời gian tới, những dự án này sẽ tạo động lực thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ hơn.
Có thể nói cái khó trong thu hút đầu tư như suy thoái kinh tế, khó khăn trong mặt bằng, tạo môi trường, thị trường cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã cản trở không nhỏ đến quá trình thu hút đầu tư. Chỉ khi nào giải quyết những khó khăn ấy cho các nhà đầu tư thì bức tranh đầu tư mới khởi sắc, bền vững và ổn định.
ĐÔNG BẮC
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()