Cải cách tư pháp trong hoạt động tòa án: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin
– Thời gian qua, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động chuyên môn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Lạng Sơn tuyên án tại phiên toà trực tuyến xét xử các bị cáo về tội tàng trữ trái phép chất ma túy
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động tòa án là xu thế tất yếu, đang được TAND các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Đối với TAND 2 cấp trong tỉnh, công tác này được tập trung vào các hoạt động như: tổ chức các phiên toà trực tuyến; trình chiếu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; công khai bản án trên trang thông tin điện tử…
Nâng cao chất lượng xét xử
Là một trong số những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT, tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND huyện Chi Lăng thường xuyên phối hợp với đơn vị viễn thông trên địa bàn huyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác này. Bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: Phiên tòa trực tuyến được đơn vị tổ chức từ tháng 6/2022 và duy trì đến nay. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức xét xử trực tuyến 10 vụ, với 14 bị cáo. Đặc biệt, ngày 26/7/2023, lần đầu tiên đơn vị tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với án dân sự. Ưu điểm của hình thức xét xử này là không mất thời gian dẫn giải bị cáo và đảm bảo an ninh, an toàn hơn do điểm cầu thành phần là nơi đang giam giữ bị cáo. Đối với phiên tòa dân sự, sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các đương sự.
Theo tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, từ năm 2022, TAND 2 cấp trong tỉnh đã triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến. Các phiên tòa trực tuyến để xét xử các vụ án, vụ việc có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án và điểm cầu thành phần, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do TAND quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với thực tiễn, tiết kiệm chi phí như: trích xuất, dẫn giải bị cáo, đi lại của các đương sự, bị hại, người liên quan… Cùng với đó, toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu trữ, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyền giám sát công tác xét xử, các đơn vị tòa án sử dụng làm tư liệu rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, TAND 2 cấp trong tỉnh đã tổ chức được 59 phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội. Đến nay, TAND tỉnh và 8/11 TAND các huyện, thành phố thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tổ chức phiên tòa trực tuyến năm 2023. Trong đó, một số đơn vị đã tổ chức phiên tòa trực tuyến mở rộng tới điểm cầu các xã, thị trấn như: TAND huyện Hữu Lũng kết nối tới 24 điểm cầu UBND các xã, thị trấn; TAND huyện Tràng Định kết nối tới 23 điểm cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…
Bên cạnh tổ chức các phiên tòa trực tuyến, các đơn vị tòa án trong tỉnh còn tận dụng những ưu thế của CNTT vào các mặt công tác chuyên môn. Điểm nổi bật là các thẩm phán đã sử dụng thiết bị trình chiếu tài liệu, chứng cứ, góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, giúp các thành phần trong phiên tòa dễ dàng theo dõi, thuận lợi cho việc xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nâng cao hiệu quả xét xử.
Đơn cử như phiên tòa xét xử 5 bị cáo về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do TAND tỉnh tổ chức vào ngày 14/9 và 15/9/2023 vừa qua. Tại phiên tòa, những video, chứng cứ vi phạm được trình chiếu lại tại phiên tòa.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chánh Tòa Dân sự, TAND tỉnh, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết: Trong vụ án trên, khi sử dụng thiết bị trình chiếu lại các video của các bị cáo, tất cả người tham gia tố tụng đều được nghe, theo dõi; từ đó làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đồng thời, khi bị cáo có những thắc mắc liên quan đến quy định của pháp luật, chúng tôi cũng có thể trình chiếu, trích dẫn điều khoản, quy định cụ thể để giải thích cho các bị cáo, cũng như tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho những người tham gia phiên tòa nắm được.
Toà án Nhân dân huyện Chi Lăng xét xử trực tuyến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
Đồng bộ giải pháp
Bà Chu Lệ Hường, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Nhằm tổ chức tốt phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, trong thời gian qua, các đơn vị TAND 2 cấp đã tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động xét xử. Đặc biệt, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho TAND tỉnh lắp đặt thiết bị tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo đồng bộ theo quy định của TAND tối cao tại TAND tỉnh và TAND thành phố, Trại Tạm giam, Công an tỉnh và Nhà Tạm giữ Công an thành phố Lạng Sơn. Tại TAND cấp huyện, các đơn vị đã chủ động tận dụng các thiết bị hiện có và được cấp ủy, chính quyền cùng cấp, đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến. Qua đó, góp phần hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.
Để tăng cường ứng dụng CNTT, hằng năm, TAND tỉnh tổ chức 2 đến 4 cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, trong đó có lồng ghép nội dung tập huấn về CNTT cho đội ngũ cán bộ toà án, đồng thời kết nối trực tuyến hoặc cử các cán bộ tham dự đầy đủ các cuộc tập huấn, hội nghị bồi dưỡng kiến thức về CNTT do TAND tối cao tổ chức. Thêm vào đó, TAND 2 cấp trong tỉnh chủ động đề xuất, tham mưu các cấp, ngành, phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện về trang thiết bị, hạ tầng, kỹ thuật để ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác tòa án.
Ông Nguyễn Văn Bẩy, Chánh án TAND huyện Tràng Định cho biết: Dựa trên hệ thống thiết bị, băng tần công nghệ sẵn có của huyện đang kết nối đến các xã, thị trấn và một số cơ quan, đơn vị trong toàn huyện, đồng thời xét theo tính chất của từng vụ án, TAND huyện đã chủ động xin ý kiến Huyện ủy cho phép triển khai việc xét xử trực tuyến, xét xử trực tuyến mở rộng. Các phiên tòa đều đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao trong công tác xét xử của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và sự đồng tình của người dân trên địa bàn, mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Việc ứng dụng CNTT vào công tác xét xử nói riêng, công tác tòa án nói chung đã góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của TAND 2 cấp. Đơn cử, năm 2022 (tính từ 1/10/2021 đến 30/9/2022), TAND 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết 3.137/3.174 vụ, việc các loại, đạt 98,8%; tỷ lệ giải quyết từng loại án đều vượt chỉ tiêu TAND tối cao yêu cầu; án hình sự đạt 99,7% (vượt chỉ tiêu 9,7%); án dân sự đạt 94,7% (vượt 4,7%); tỷ lệ án huỷ, sửa chiếm 0,95%, thấp hơn tỉ lệ của TAND tối cao quy định (không quá 1,5%). Năm 2022, TAND tỉnh được nhận cờ thi đua của TAND tối cao. Trong 9 tháng đầu năm 2023 (tính từ 1/10/2022 đến 30/6/2023), TAND 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết 2.240/2.870 vụ việc, đạt 78%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các vụ, việc đều được giải quyết, xét xử đúng quy định của pháp luật. Không xảy ra việc kết án oan người không phạm tội, bỏ lọt tội phạm. Các vụ án điểm, phức tạp; các vụ án về ma túy, tham nhũng… dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, được TAND tối cao đánh giá cao, Nhân dân đồng tình. Qua đó, góp phần cải cách tư pháp, hướng đến xây dựng tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
HOÀNG HUẤN - DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()