Cải cách tiền lương công chức sẽ gắn liền với tinh giảm biên chế
Tinh giảm biên chế sẽ là biện pháp hàng đầu khi thực hiện cải cách tiền lương công chức, bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn chi trả tiền lương thì việc tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp sẽ được đẩy mạnh.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay. Các chuyên gia đã phân tích mối liên hệ giữa cải cách chính sách tiền lương với chất lượng dịch vụ công và công tác phòng, chống tham nhũng.
Tiến sỹ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần có một chính sách tiền lương công chức phù hợp, tương quan với các khu vực khác ngoài nhà nước, khắc phục tình trạng tiền lương của công chức quá thấp, không đủ sống, mới chỉ đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động và có tích luỹ. Sự bất bình đẳng về tiền lương làm suy giảm yếu tố tiền lương là thu nhập chính, là động lực cơ bản của người công chức thực thi công vụ tận tụy, trung thành.
“Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của người công chức. Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là ‘mảnh đất’ của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ sở phát triển và trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay,” Tiến sỹ Thang Văn Phúc nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng đã đánh giá thuận lợi, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến cải cách tiền lương ở nước ta trong giai đoạn tới để xác định các biện pháp và nguồn lực dành cho cải cách tiền lương. Trong đó, tinh giảm biên chế và đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là những biện pháp chính trong cải cách tiền lương.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, đối với cán bộ công chức viên chức khu vực nhà nước lương hoàn toàn do ngân sách nhà nước thì cải cách tiền lương sẽ gắp liền với sắp xếp lại tổ chức, tinh giảm biên chế. Ngoài ra, cần thực hiện cơ chế khoán để các cơ quan tự chủ, chuyển những khoản chi không phải cho con người như hội họp, đi nước ngoài chuyển sang chi cho tiền lương.
“Đối với các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đổi mới tự chủ theo hướng tính đúng tính đủ chi phí tiền lương và giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp tự quyết định tuyển bao nhiêu người và chi trả lương thì mới có hiệu quả trong sắp xếp nguồn lực trong khu vực nhà nước. Giả sử nếu chỉ trông chờ tăng lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng hay 1,5 triệu đồng thì hiện nay nguồn chi ngân sách nhà nước không thể đảm bảo mà phải dựa trên cơ sở tinh giảm biên chế, sắp xếp bộ máy và đặc biệt là thực hiện tự chủ mạnh hơn trên cơ sở tính giá dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp,” ông Dũng nói.
Từ những ý kiến, khuyến nghị, phân tích của các chuyên gia, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp để hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để xây dựng đề án cải cách tiền lương./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()