Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc
Chiều 27-11, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước (KBNN).
Chiều 27-11, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước (KBNN).
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, KBNN đã đạt được những kết quả tích cực với 80 thủ tục được bãi bỏ, 402 thủ tục được sửa đổi, bổ sung, thay thế đã góp phần đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và các tổ chức tham gia thực hiện TTHC. Chất lượng các quy định về TTHC và kết quả thực hiện TTHC của các đơn vị được nâng cao một bước thông qua việc kiểm soát, hướng dẫn của đơn vị kiểm soát TTHC đối với các đơn vị thuộc bộ…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Tài chính, các Tổng cục Thuế, Hải quan và KBNN đã chủ động, tích cực cải cách TTHC và cho rằng, đây là tiến bộ lớn, là bước tiến tốt, tương đối toàn diện. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế, tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ của các ngành này khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) còn phàn nàn, nhất là DN nhỏ và vừa; môi trường đầu tư có tiến bộ nhưng mới ở mức trung bình; tình trạng gian lận thương mại, thất thu thuế còn xảy ra, thể chế chính sách, đạo đức công vụ, cơ sở hạ tầng còn nhiều vấn đề đặt ra. Phó Thủ tướng đề nghị các ngành cần thẳng thắn nhìn nhận cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn nhiều yếu kém so với các nước trong khu vực.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình cải cách TTHC phải có quyết tâm chính trị rất cao của người lãnh đạo và cán bộ, công chức. Bộ Tài chính cần có những đề án để cải tiến cách làm, phát hiện hạn chế và bất cập; rà soát TTHC theo bốn nhóm trọng tâm, công bố kết quả rà soát và tổ chức thực thi; công khai minh bạch ngay từ đầu tất cả các TTHC và có đánh giá tác động cụ thể một cách mạnh mẽ. Ðồng thời, chú ý áp dụng công nghệ thông tin qua môi trường mạng in-tơ-nét, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc triển khai cải cách TTHC đối với các ngành này; tiếp tục tăng cường công tác đối thoại DN; triển khai tích cực hơn nữa “một cửa” và “một cửa liên thông” và luân chuyển cán bộ làm việc ở môi trường nhạy cảm, cũng như tiến hành giám sát, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()