Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 14/10 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; Đại sứ quán Cộng hoà Ailen tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế”.
Ngày 14/10 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; Đại sứ quán Cộng hoà Ailen tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế”.
Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; TS. Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Con English, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Trung ương Ailen đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí: Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phan Diễn, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ngài Damien Cole, Đại sứ Cộng hoà Ailen tại Việt Nam cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Hình ảnh tại hội nghị – (Ảnh: Đ.H) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Văn Thạch nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề luôn được đặt ra đối với mỗi quốc gia sau những biến động lớn của kinh tế thế giới. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và tiếp theo là khủng hoảng nợ công hiện nay đã cho thấy, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập, tài chính – tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị tác động mạnh nhất. Các nước đều đang tìm cách củng cố lại hệ thống an ninh tài chính – ngân hàng, trong đó cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính là một nội dung quan trọng nhất.
Với Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua đã xác định thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể, tập trung thực hiện trong ba lĩnh vực, là tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”.
Triển khai thực hiện các chủ trương trên của Đảng và Nhà nước, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước được bảo đảm an toàn, ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng; kiểm soát sự gia tăng của nợ xấu, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp phải một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như khuôn khổ pháp lý cho việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chưa hoàn chỉnh, Nhà nước không có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính, sự thiếu hợp tác từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém…Bên cạnh đó, do mô hình tăng trưởng của kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào vốn nên gánh nặng này phần nào đã dồn vào hệ thống tài chính – ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trung bình hơn 35% năm thời gian qua đã khiến cho thanh khoản trong toàn hệ thống gặp khó khăn, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao.
Mặt khác, do nguồn vốn ngân hàng chảy nhiều vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản nên khi những thị trường này sụt giảm mạnh đã làm tăng thêm những khoản nợ xấu trong hệ thống. Như vậy, cơ cấu lại hệ thống tài chính – ngân hàng là một xu hướng tất yếu mang tính quy luật, mang tính hệ thống trong quá trình tái cơ cấu của tổng thể nền kinh tế và mang tính lịch sử trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam, xuất phát từ thực trạng của hệ thống sau một quá trình mở rộng và phát triển nhanh.
Đề dẫn Hội thảo do TS. Vũ Viết Ngoạn trình bày chỉ ra rằng, 5 năm đã trôi qua kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 – 1930 và cũng 5 năm qua, thế giới đã chứng kiến một cuộc cải cách tài chính diễn ra sâu sắc, rộng khắp và toàn diện trên cả ba lĩnh vực: tư duy chính sách, thể chế và cấu trúc. Điều này gợi mở một điều: chương trình tái cơ cấu hệ thống tài chính của Việt Nam trong 3 năm qua đã đạt được những gì? Và liệu có giúp thị trường tài chính Việt Nam, vốn dĩ còn cách xa thị trường tài chính thế giới trên nhiều phương diện như tính minh bạch, chuẩn mực an toàn, hệ thống giám sát…có thể tiến kịp thị trường tài chính thế giới trong tầm nhìn đến năm 2020 hay có nguy cơ tụt hậu xa hơn? Và nếu nhận định là những gì đã làm và đang làm là chưa đủ thì phải làm thêm những gì?
Trong đề dẫn Hội thảo, một nhận định mà TS. Vũ Viết Ngoạn nêu lại cho rằng hết sức quan trọng đã được đúc kết và được đồng thuận rất cao trong giới chuyên môn cũng như giới nghiên cứu, đó là: cải cách tài chính là một quá trình khó khăn và tốn kém. Song chi phí cải cách dù lớn tới đâu cũng nhỏ hơn nhiều so với chi phí các quốc gia phải gánh chịu để khắc phục khủng hoảng.
Trong các tham luận được gửi Hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận và làm rõ thêm các nội dung của cải cách tài chính, đó là: Hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính; các tiêu chí để định dạng các tập đoàn tài chính quy mô lớn có nguy cơ gây rủi ro hệ thống; làm thế nào để tăng cường giám sát tài chính; cấu trúc tài chính như thế nào; quan hệ giữa ổn định tài chính và chính sách kinh tế vĩ mô. Ngoài những vấn đề nêu trên, nhiều diễn giả cũng mở rộng thêm một số nội dung khác trong quá trình thảo luận.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()