Cải cách thể chế, tạo lực đẩy cho doanh nghiệp
Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được sự nỗ lực, kiên cường, bền bỉ trong việc thích ứng với bối cảnh có nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng đang chờ phía trước thì việc cải cách thể chế kinh tế chính là yêu cầu tiên quyết. Thế nhưng, trên thực tế quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được đánh giá bị chững lại và còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục.
Lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công 2 (Ninh Bình), thuộc Tập đoàn Thành Công. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh này nhanh hơn, thực chất hơn, có hiệu quả hơn nhằm tạo lực đẩy, mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kêu khó
Trong những tháng cao điểm cuối năm này, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sự sụt giảm về đơn hàng, áp lực chi phí đầu vào tăng, đứt đoạn chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu, nhất là việc thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh,…
Nếu so với thời điểm này năm ngoái, gần 500 công nhân của Công ty May mặc Nam Linh đang tăng ca vì làm không hết việc, tăng tốc hoàn thành các đơn hàng gia công đồ may mặc đã ký kết trong năm.
Thậm chí, nhiều công nhân xin được làm tăng ca, kíp để bảo đảm thời gian giao hàng cho các đối tác cũng như có thêm nguồn thu nhập. Thế nhưng, dù chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, số lượng các đơn hàng đã ký của công ty này chỉ đạt bằng một nửa so mọi năm.
Theo chia sẻ của anh Lê Linh, Giám đốc Công ty May mặc Nam Linh, “Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng mới cho xuất khẩu hàng may mặc, song hầu như đều không khả quan khi nhu cầu tại nhiều quốc gia, nhất là ở châu Âu, châu Mỹ đều đang có xu hướng sụt giảm trước biến động tiêu cực của giá cả hàng hóa.
Tính ra số lượng đơn hàng năm nay sụt giảm mạnh so năm trước, khiến hoạt động của doanh nghiệp rất trầm lắng, chỉ cầm chừng bằng những hợp đồng từ các bạn hàng truyền thống trong nước. Với các đơn hàng đã ký cho tháng 12 này và tháng 1 năm 2023 hiện đang thiếu khoảng 35% đến 50% so năng lực sản xuất hoặc có đơn hàng nhưng phải cạnh tranh gay gắt về giá,… Sự sụt giảm này khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công để bảo đảm cân đối chi phí cũng như lợi nhuận”.
Bên cạnh đó, theo anh Linh, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đang là vấn đề nan giải hiện nay đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất “đói” vốn, nhưng chính sách đưa ra lại chưa kịp thời và chưa phù hợp thực tế để doanh nghiệp được thụ hưởng một cách tốt nhất, đem lại động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Chưa kể với việc có quá nhiều đợt kiểm tra, giám sát đang gây phiền hà cho doanh nghiệp…
Theo thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng hơn 97% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Điều này cho thấy, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Thống kê cũng cho thấy, trung bình một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có tới 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn chịu những tổn thương nghiêm trọng trước sự khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước,…
Do đó, thực tiễn nêu trên đòi hỏi phải có những cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa nhằm dỡ bỏ các rào cản, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bước sang quá trình phục hồi và phát triển. Đó cũng là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động tại nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội đề ra.
Chỉ với những thể chế được cải cách, môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng và thuận lợi sẽ là yếu tố cơ bản không thể thiếu giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.
Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Trần Thị Hồng Minh nhận định, sẽ còn nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và đặc biệt là với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Ngoài ra, về sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023.
Do đó, sự quan tâm của Chính phủ với vai trò “bà đỡ” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm này là điều rất cần thiết, song phải khẳng định để phát triển và tồn tại vẫn cần tự thân các doanh nghiệp “chèo lái”, chủ động vượt khó vươn lên. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2023 khi bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách dù trong thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương và luôn nhấn mạnh mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới. Nếu không thực hiện cải cách thể chế một cách triệt để và căn cơ, sẽ khó để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp, cũng như tạo ra thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.
Cũng theo TS Trần Thị Hồng Minh, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như: kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Đây là điểm quan trọng tạo ra cơ chế về thể chế, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có cơ chế để thực thi, nhưng để đưa vào thực tế sẽ còn nhiều khó khăn.
Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ các doanh nghiệp. Trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế; đồng thời, cần xem xét tạo thêm không gian, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân có động lực phát triển.
Trong khi đó, nhằm đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, trong văn bản góp ý nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
Mục tiêu của VCCI mong muốn các doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp, đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, và tỷ lệ này tăng lên 20% vào năm 2030. Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn. VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tăng cường năng lực tự chủ tự cường, nâng cao tính kết nối trong tham gia chuỗi sản xuất. Bản thân doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”.
Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua sóng lớn, Chính phủ cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế, thể chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ; mở thêm không gian cho các hình thức hoạt động kinh tế mới một cách bền vững, lâu dài và hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho rằng, để khắc phục phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, các bộ, ngành cần cung cấp thường kỳ thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của những thị trường xuất nhập khẩu lớn, kèm theo đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng phù hợp; tiếp tục tháo gỡ các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng,…
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Nhà nước cần xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng; các chính sách tín dụng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh còn nhiều biến động như hiện nay, cần có những biện pháp thích ứng linh hoạt, đưa ra những kịch bản ứng phó cũng như chiến lược phù hợp để tự mình cứu mình. Về lâu dài, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và tiếp tục trụ vững trên thương trường.
Xưởng may áo xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. (Ảnh: THANH TRÚC) |
Ý kiến ()