Cải cách sách giáo khoa Việt Nam, nhìn từ bộ sách của Pháp
Chương trình, sách giáo khoa (SGK) cho mọi cấp học của Việt Nam hiện nay đang bị đánh giá là vừa dài vừa…hụt hơi, lại thiếu thực tế, không hấp dẫn học sinh.
Nói như GS Văn Như Cương:“SGK của chúng ta như chiếc váy dài trong khi trào lưu của thế giới là đang ngắn dần lên.” SGK của các nước phát triển với triết lý giáo dục nhất quán, được các chuyên gia giáo dục đánh giá là đáng để chúng ta học tập.
Đẹp và hấp dẫn
Tháng 9 này, bộ sách giáo khoa (SGK) Toán được dùng phổ biến nhất tại Pháp hiện nay được NXB Giáo dục xuất bản và ra mắt tại Hà Nội, theo một dự án phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận đi đôi với hình thức đẹp là giá thành. Hiện nay giá SGK của chúng ta đang rất rẻ, đáp ứng một thực tế là làm sao đại bộ phận người dân có thể mua.
Đi sâu hơn, các chuyên gia nhận xét, trong khi SGK toán lớp 1,2,3 của Việt Nam hầu như chỉ có con số đơn điệu, thí dụ như 6 trang liền trong toán 1 của ta, từ trang 106 – 113 hầu như chỉ có con số, thì SGK Pháp trình bày rất khoa học và sinh động, với những câu chuyện, hình ảnh xoay quanh 3 nhân vật chính theo suốt cả chương trình.
GS Văn Như Cương nhận xét: “Rất tuyệt với và khâm phục là sách giáo viên, rất chi tiết về mặt lý luận và cả bài tập.” GS cho rằng người ta không xem thường giáo viên. Các giáo viên Việt Nam khi đọc sách dành cho giáo viên thường phê bình là các anh viết sách xem thường chúng tôi, chuyện ấy mà cũng phải giải thích. Nhưng ở đây họ rất chi tiết. Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành – Phó chủ nhiệm Khoa Sư phạm – ĐH Giáo dục- ĐH QG Hà Nội, là người trực tiếp tổ chức dịch bộ sách cho biết thêm: “Riêng sách giáo viên được viết rất cẩn thận, đặc biệt chú trọng phân tích về lỗi, sai lầm học sinh có thể mắc phải.”
Họ cũng không trình bày tách bạch như trong SGK của ta: như tách bạch phép nhân với phép chia. Họ cũng không đưa vội vàng các thuật ngữ số bị trừ, số trừ tích, thương… ở cấp học dưới.
Lượng bài tập thì có thể nói là khổng lồ nếu so với Việt Nam. Chúng ta có khoảng 3, 4 bài tập trong một tiết học, còn họ có gần 50 bài tập các loại: bài tập cơ bản, nâng cao, củng cố…
Quan điểm dạy học mới
Cả bộ sách có một cấu trúc thống nhất rất rõ ràng, trong các bài bao giờ cũng gồm các phần: phần thứ nhất là khởi động, hoạt động gợi lại kiến thức. Sau đó đến phần vượt chướng ngại vật, phần kiến thức, và kiểm tra đánh giá, các đóng khung.
Điều gây ngạc nhiên cho các chuyên gia giáo dục là trong hầu hết các bài học không có thấy một đoạn định nghĩa nào hết. GS Văn Như Cương lý giải: “Tức là đặt câu hỏi rồi cho học sinh tự trả lời.” Đây là điểm khiến ông băn khoăn, vì ở Việt Nam thường không có kiểu viết sách như vậy.
Cho đến bộ sách lớp 6, dù có rất nhiều bài tập nhưng không tiên đề nào được nêu ra. Thí dụ, khi học về đường thẳng tuyệt nhiên không có câu là: qua hai điểm chỉ có một đường thẳng. Khi nói đến hai đường song song, tuyệt nhiên không nhắc đến Tiên đề Ơ-clip. Trong khi quan điểm của các chuyên gia Việt Nam thì các tiên đề này không thể bỏ được.
Trong số các bài toán chỉ có 1 hay 2 bài là yêu cầu học sinh chứng minh. Còn đều là yêu cầu học sinh nêu nhận xét: cho biết hai đường thẳng có song song hay không. Song song là gì, vuông góc là gì, họ không nói. Mà thông qua quá trình thực hiện các bài tập học sinh sẽ phải nhận xét rồi đưa ra các kết luận trừu tượng hoá chứ không cần phải chứng minh. Ít nhất là ở lớp 5, 6.
TS Nguyễn Chí Thành cho biết: Ở các lớp dưới, học sinh đã được hình dung về các khái niệm như đường thẳng song song nhưng chứng minh về các tiên đề thì sẽ học ở lớp từ 7, 8. Tức là người ta có quan điểm dạy học khác hẳn truyền thống trước kia và hiện nay chúng ta đang làm.
GS Đoàn Quỳnh nhận xét: “Tinh thần chủ đạo của dạy học ở các nước thể hiện qua của bộ sách: học sinh chủ động giải quyết các bài toán tình huống tình huống, đòi hỏi học sinh chủ động học tập và đối mặt với bạn học trong trao đổi”.
Đi sâu hơn nữa vào nội dung thì thấy Pháp ít buộc học sinh thuộc lòng một cách máy móc. Thí dụ với bảng cửu chương, thì họ để học sinh tự xây dựng bảng nhân với yêu cầu để học sinh có thể ghi nhớ rõ ràng hơn, hiểu được bản chất của phép tính, biết được lợi ích của việc ghi nhớ các kết quả trong bài, khả năng sử dụng các kết quả đã biết để suy ra các kết quả khác. Giai đoạn đầu bảng nhân được in ngay cạnh bài tập, học sinh cứ dựa vào đó để làm. Dần dần các bảng này ít đi, học sinh sẽ thấy rằng cái bảng đó ích lợi thật và chủ động ghi nhớ.
Một điểm mới nữa là sách luôn gắn với thực tế. Đây cũng là băn khoăn của những người viết sách toán học cho học sinh Việt Nam. SGK của Pháp có nhiều thú vị khi học về đại số thì lồng ghép khéo léo các vấn đề tính toán hàng ngày, kinh tế trong gia đình,…đến phần hình học thì lồng ghép các vấn đề về không gian, nhiều hình minh họa, chú ý đến sự thích thú của học sinh.
Tóm lại, theo nhận xét của các chuyên gia giáo dục Việt Nam, SGK của các nước phát triển thể hiện nhất quán một lý luận lý luận giáo dục chung: dễ học và hấp dẫn.
Mỗi cuốn sách đều được xây dựng kỳ công, khoa học, có hệ thống, bài này nối tiếp bài kia, thêm vào đó, việc lồng ghép tốt các thông tin về môi trường, cuộc sống, chú trọng thực hành, tạo lập tư duy chủ động cho học sinh cho chúng ta thấy nhiều lợi ích có thể học tập từ bộ sách này để áp dụng cho việc biên soạn chương trình, SGK ở Việt Nam.
Ý kiến ()