Cải cách lương hưu và sự chia rẽ trong lòng nước Pháp
Cuộc khủng hoảng về cải cách lương hưu phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp. Nó làm nổi bật sự đối đầu giữa chính quyền Pháp với đông đảo người lao động đang nỗ lực đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi của chính họ ở nước này.
Lường trước thất bại có thể xảy ra do liên minh đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron không đủ đa số cần thiết, ngày 16-3, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã kích hoạt Điều 49.3 của hiến pháp để thông qua dự luật cải cách lương hưu, tước đi cơ hội bỏ phiếu của các nghị sĩ tại Hạ viện.
Kế hoạch cải cách lương hưu bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đồng thời, người lao động phải có ít nhất 43 năm làm việc mới đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Vốn gây tranh cãi ngay từ khi được đề xuất, song cách dự luật được thông qua mới chính là động thái “đổ thêm dầu vào lửa”, làm bùng lên cơn thịnh nộ của người lao động Pháp.
CNN dẫn số liệu từ tổ chức thăm dò ý kiến IFOP cho thấy, 83% thanh niên trong độ tuổi từ 18-24 và 78% những người trên 35 tuổi nhận thấy cách thức thông qua dự luật của Chính phủ là “không chính đáng”. Sau khi Điều 49.3 được kích hoạt, tỷ lệ người dân Pháp phản đối cải cách đã lên tới hơn 70%.
Cảnh sát Pháp tham gia trấn áp biểu tình ở Paris, ngày 20-3. Ảnh: Reuters |
Vì sao nhất định phải thông qua
Cải cách xã hội, nhất là cải cách hệ thống lương hưu, là một trong những cam kết hàng đầu của Tổng thống Macron khi ông tái tranh cử vào năm 2022, cũng là chủ đề ông theo đuổi trong cả nhiệm kỳ trước đó. Đối với chính quyền Pháp, đây là một vấn đề cấp bách, bởi lẽ quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và già hóa dân số nghiêm trọng.
Vào quý III-2022, nợ quốc gia của Pháp ở mức 113,4% GDP, cao hơn cả Anh (100,2%), Đức (66,6%), tương đương với các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha (115,6%), Bồ Đào Nha (120,1%). Theo Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt, nếu không hành động ngay lập tức thì tới năm 2027, thâm hụt lương hưu sẽ lên tới hơn 13 tỷ USD mỗi năm. Trên tờ DW, nhà kinh tế học người Pháp Philippe Crevel cũng khẳng định: “Cải cách này là cần thiết để thu hút nhiều lực lượng lao động hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Pháp, Anh và Đức đều đang phải vật lộn với thực trạng thiếu hụt lao động, khi tình trạng già hóa dân số và sụt giảm tỷ lệ sinh đều ở mức nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, năm 1950, cứ 4 người lao động Pháp sẽ “gánh vác” 1 người hưu trí (tỷ lệ 4/1). Năm 2000, con số này đã là 2/1. Dự báo tới năm 2040, tỷ lệ này chỉ còn 1,3/1. Đó sẽ là một gánh nặng cả về mặt tài chính và sức khỏe tâm thần đối với người lao động.
Hiện Pháp vẫn là một trong những nước có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển như Anh (66), Đức và Italy (67), Thụy Điển, Tây Ban Nha, Mỹ và Canada (65). Còn xét về độ tuổi nghỉ hưu muộn nhất, có lẽ là ở Indonesia (68).
Người lao động bất bình
Cải cách lương hưu từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối ở Pháp. Năm 1995, các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài hàng tuần đã buộc Chính phủ khi đó phải từ bỏ kế hoạch cải cách. Năm 2010, hàng triệu người đã xuống đường phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 và đến năm 2014, những cải cách tiếp theo đã vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng.
Đối với nhiều người Pháp, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội được coi là nền tảng thể hiện trách nhiệm và mối quan hệ của Nhà nước với công dân. Nếu được thực hiện, kế hoạch cải cách lương hưu sẽ tác động đặc biệt nặng nề đến các tầng lớp người lao động.
Bác sĩ tâm lý Bertille cáo buộc: “Cải cách này là giọt nước làm tràn ly… Chúng tôi còn trẻ, còn rất lâu nữa mới nghỉ hưu. Nhưng nếu đồng ý để Chính phủ cắt xén quyền lợi hưu trí thì sau này, chính chúng tôi sẽ chịu thiệt.” Nhân viên y tế Geraldine tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière than thở, bà đã làm việc suốt 38 năm, đặc biệt căng thẳng trong thời kỳ đại dịch và đã cảm thấy kiệt sức. Nếu kéo dài thêm, bà lo mình không còn đủ sức khỏe cho công việc.
Eric Schwab, một giáo viên tiểu học, mỗi khi biểu tình luôn giơ cao biểu ngữ: “Tôi từ chối lãng phí cuộc đời để kiếm sống”. Khi đề cập đến việc tuổi nghỉ hưu ở Pháp vẫn thấp nhất trong châu Âu, Schwab bất bình: “Họ chỉ so sánh chúng tôi với các quốc gia khác khi điều đó có lợi cho họ… Sao họ không thừa nhận thực tế là người Đức có thu nhập gấp đôi so với người Pháp, dù cùng làm một công việc?”.
Nhà lập pháp Sophia Chikirou của Đảng cực tả La France Insoumise (LFI) bày tỏ, kế hoạch cải cách hưu trí vừa làm chất lượng cuộc sống thụt lùi, vừa gây bất bình đẳng về kinh tế. Đa số dư luận phản đối đều cho rằng, cải cách sẽ tác động nặng nề lên những người dễ bị tổn thương, người lao động nghèo, thay vì lẽ ra phải hướng tới việc đánh thuế nhiều hơn đối với các tập đoàn lớn hoặc giới siêu giàu để cân bằng ngân sách.
Việc Thủ tướng Pháp kích hoạt Điều 49.3 cũng đồng nghĩa với kích hoạt các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ. Ngày 20-3, các đảng phái chính trị và dư luận Pháp nín thở chờ đợi. Nếu thất bại trong cuộc bỏ phiếu này, nội các Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ phải ra đi. Kết quả là, Chính phủ Pháp đã vượt qua trong gang tấc, khi số phiếu bất tín nhiệm chỉ đạt 278, chưa đủ so với số phiếu cần thiết là 287.
Sự việc chưa có hồi kết khi các chính trị gia đối lập cực lực chỉ trích kế hoạch cải cách lương hưu là “bất hợp pháp” đồng thời kêu gọi tiếp tục biểu tình và đình công trên toàn quốc.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cai-cach-luong-huu-va-su-chia-re-trong-long-nuoc-phap-722527
Ý kiến ()