Cải cách là phải loại bỏ lợi ích nhóm, những yếu tố tiêu cực, không thực chất
“Cải cách phải rất chuyên nghiệp, không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được. Cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan đến quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MC, MCLT) trong giải quyết TTHC năm 2018. Hội nghị được Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức sáng 20/12, theo hình thức trực tuyến đến đầu cầu 63 tỉnh/thành phố.
Cần phân cấp mạnh mẽ hơn tại các địa phương
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm cải cách các bộ, ngành, địa phương khi Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hơn 7.000 đại biểu. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, để gắn kết và đồng bộ giữa cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, vừa qua, dưới sự đề xuất mạnh mẽ của các bộ và VPCP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước và chủ trì kiểm soát TTHC, triển khai nhiệm vụ cơ chế MC, MCLT từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về VPCP và chuyển nhiệm vụ từ Sở Tư pháp, Sở Nội Vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh… Việc chuyển nhiệm vụ này nhằm tập trung đầu mối để tham mưu trong thực hiện cải cách TTHC, thực hiện cơ chế MC, MCLT.
Bên cạnh đó, VPCP cùng với các bộ rất tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 61/2018 về thực hiện cơ chế MC, MCLT trong giải quyết TTHC. Trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo nhấn mạnh về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Về MC, MCLT, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, mục tiêu là lấy sự hài lòng người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh giá hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Đến nay, có 57/63 địa phương chuyển nhiệm vụ MC, MCLT từ sở Tư pháp, sở Nội vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh. Về tổ chức bộ máy bộ phận một cửa, theo thống kê của Cục Kiểm soát TTHC, đã có 1.167/1.210 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ 96,4%; cấp huyện 705/713 đơn vị, chiếm 98,9%; cấp xã 10.981/11.162 đơn vị, chiếm tỷ lệ 98,4%; đã có 39/63 các địa phương có Trung tâm hành chính công, các địa phương còn lại đang tiếp tục thành lập các trung tâm dịch vụ công.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ, Tổ công tác của Thủ tướng đã đến một số địa phương, tham quan Trung tâm hành chính công của một số địa phương. Các chuyến thực tế cho thấy nhiều tỉnh, thành phố làm rất tốt, Tổ công tác thấy được sự tâm huyết của các cán bộ của các địa phương. Một số địa phương đã có Trung tâm hành chính công cấp tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh… Tại Quảng Ninh thực hiện giải quyết 4 tại chỗ (tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và trả kết quả); tỷ lệ dịch vụ công cấp 3, 4 cao, liên thông từ cấp tỉnh, huyện, xã.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP cho biết: “Thực tế có địa phương đang làm rất tốt, có địa phương mới làm ở bước đầu, vì vậy, cần sự thống nhất cao, phân cấp mạnh và giao quyền tốt hơn nữa thì với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chắc chắn sẽ làm được”.
Bên cạnh đó, có những địa phương, Tổ công tác xuống tham quan nhưng các Sở, ngành tại địa phương đều có phần mềm khác nhau, không kết nối, không chia sẻ được văn bản. Vì vậy, nên có nhận được hồ sơ cũng không xử lý trên nền điện tử được.
Tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại
Để tập trung triển khai thực hiện cơ chế MC, MCLT năm 2019, tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nêu 6 vấn đề, đề nghị các bộ, địa phương thực hiện. Thứ nhất, cần quán triệt tốt tại các bộ, ngành, địa phương về cải cách TTHC, tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh vào trách nhiệm các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan văn phòng, tư pháp, hành chính các cấp phải tập trung cải cách.
“Cần phải cải cách từ chính chúng ta, từ lề lối làm việc, tác phong của mỗi cán bộ, việc cải cách phải đổi mới từ mỗi con người”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh và đề nghị cần lấy nguyên tắc sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo cho hiệu quả của cán bộ thực thi công vụ và phải có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ 2, đối với việc tổ chức bộ phận MC, MCLT tại các bộ, địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, địa phương nghiên cứu mô hình tổ chức hợp lý. Đặc biệt, nghiên cứu bộ phận MC, MCLT thực hiện 4 tại chỗ, thay vì nhận trả kết quả thì phải có thẩm định, xét duyệt. Đây là vấn đề mới và khó vì vậy phải có phân cấp mạnh mẽ, tiến tới hiệu quả thực chất.
Thứ 3, về xây dựng vận hành dịch vụ công và hệ thống MC, MCLT tại các bộ, địa phương, về nguyên tắc mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận TTHC. Quan trọng nhất nguyên tắc xây dựng dịch vụ công là tập trung vào những dịch vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu nhất, tránh việc công bố các thủ tục người dân, doanh nhiệp ít có nhu cầu.
Thứ 4 là tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC, tất cả các Trung tâm hành chính công cần đánh giá bằng sự hài lòng hoặc không hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Thứ 5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, địa phương rà soát TTHC, tăng cường phân cấp làm sao quy trình giải quyết TTHC gọn nhẹ, đơn giản, ứng dụng CNTT để phục vụ cải cách cũng như phục vụ cho quy trình cải cách.
Thứ 6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp.
“Cải cách phải rất chuyên nghiệp, không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được. Cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan đến quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) đã giới thiệu về những điểm mới và nhiệm vụ tổ chức triển khai Nghị định số 61/2018/N Đ-CP, thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 61/2018 về thực hiện cơ chế MC, MCLT trong giải quyết TTHC.
Theo đó, nguyên tắc thực hiện cơ chế MC, MCLT là lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; việc giải quyết TTHC theo cơ chế MC, MCLT được quản lý tập trung, thống nhất. Bên cạnh đó, giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
Tại buổi tập huấn, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC đã công bố Quyết định về việc tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho 6 đơn vị Trung tâm hành chính công cấp tỉnh: Bắc Ninh, Yên Bái, Thái Bình, Quảng Ninh, Đồng Nai và Quảng Nam.
Ý kiến ()