CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NGÀNH NGÂN HÀNG: Coi trọng quyền lợi của doanh nghiệp và người dân
Toàn bộ các thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được công khai, minh bạch, hàng trăm thủ tục đã được đơn giản hóa, bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN. Đặc biệt việc quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần tạo ra nhiều tiện ích, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với quy trình, thủ tục thuận lợi cho người dân. Đó là kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành ngân hàng thời gian qua. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, Thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ (trong ảnh) chung quanh vấn đề này.
PV: Nói đến cải cách hành chính là nói đến cơ quan công quyền. Vậy tại sao ông lại nhấn mạnh đến việc NHNN quyết liệt chỉ đạo các TCTD cắt giảm các thủ tục giao dịch hành chính?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú:Có thể nói, các thủ tục hành chính phát sinh trực tiếp giữa NHNN với doanh nghiệp (DN), người dân không nhiều. Quan hệ có tính chất thủ tục hành chính với DN và người dân chủ yếu là các TCTD trong các lĩnh vực tín dụng, thanh toán và các dịch vụ ngân hàng. Vì thế, một mặt NHNN tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong các quan hệ thủ tục hành chính với NHNN, mặt khác NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD cải cách thủ tục hành chính thông qua việc tăng cường hiện đại hóa, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người dân và DN.
Các thủ tục phát sinh trong quan hệ giao dịch TCTD với người dân và DN phát sinh với số lượng rất lớn, diễn ra hằng ngày, hằng giờ để phục vụ các hoạt động kinh tế, tiêu dùng. Do đó, không chỉ để các TCTD xem việc cải tiến, đổi mới về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ là một yêu cầu tự thân để nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, chúng tôi đã quán triệt, chỉ đạo các TCTD phải nhận thức được trách nhiệm chung đối với xã hội trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và DN, giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh doanh và phục vụ. Các cải tiến, cải cách trong các thủ tục cung cấp dịch vụ để tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại, hồ sơ giấy tờ, rút ngắn thời gian giao dịch đối với người dân và DN. Tuy nhiên, việc cải tiến, đơn giản hóa giấy tờ vẫn phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng.
Giải pháp trọng tâm để thực hiện điều này chính là việc NHNN chỉ đạo các TCTD đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng nhanh, hiệu quả công nghệ thông tin vào toàn bộ các hoạt động, nghiệp vụ, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã hướng các TCTD xây dựng văn hóa giao dịch lấy khách hàng là trung tâm. Dịch vụ có tốt hay không, có tiết giảm được thời gian hay không thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
PV: Đích đến cuối cùng của mọi cải cách của cơ quan quản lý nhà nước là phục vụ người dân tốt hơn, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Vậy, NHNN có những khảo sát đánh giá nào xác định ứng dụng công nghệ thông tin là một giải pháp trọng tâm nhằm cải cách thủ tục hành chính và dành một nguồn lực lớn để triển khai, thưa ông?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú:Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ ngân hàng, chính là chiếc chìa khóa tạo nên sự khác biệt, sự vượt trội trong các sản phẩm dịch vụ, tiện ích mà ngân hàng dành cho người dân và DN. Đây cũng là động lực tạo ra sự cạnh tranh tích cực trong hoạt động của các TCTD thời gian qua. Nhiều quy trình, nghiệp vụ đã được đổi mới, cải tiến với mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, dễ thực hiện. Về quy trình cấp tín dụng, đã được nhiều TCTD đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian so với trước đây, giảm bớt phiền hà cho khách vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Thủ tục gửi tiết kiệm và nhiều dịch vụ khác cũng đã được cải tiến theo hình thức giao dịch một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng rút ngắn thời gian giao dịch. Người dân hiện nay cũng có thể lựa chọn nhiều hình thức giao dịch online (Internet Banking, Mobile Banking) để có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi… thậm chí không phải đến ngân hàng để giao dịch trực tiếp như trước đây.
Với việc ứng dụng công nghệ điện tử, kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng ngày càng trở nên rộng rãi và phổ biến. Nếu như ngày trước, người dân phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng để thực hiện giao dịch từ 8 giờ đến trước 17 giờ và đó gần như là sự lựa chọn duy nhất thì nay nhiều dịch vụ có thể thực hiện ở mọi nơi mọi lúc, kể cả trong và ngoài nước như ngân hàng qua điện thoại, ngân hàng trên mạng máy tính toàn cầu, ngân hàng tại nhà, ngân hàng qua mạng viễn thông không dây…
PV: Tuy nhiên, vẫn có người dân và DN than phiền về quy trình thủ tục phức tạp, chi phí dịch vụ cao tại một số ngân hàng. Vậy, NHNN có những biện pháp gì trong thời gian tới để hóa giải vấn đề này?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú:Vừa qua, chúng tôi đã có Hội nghị quán triệt cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa đến các TCTD trong đó xác định trách nhiệm với cộng đồng xã hội và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng giao cho người đứng đầu các TCTD trực tiếp chịu trách nhiệm trước NHNN. Đây cũng được xem là một chỉ tiêu đánh giá về chất lượng hoạt động kinh doanh của các TCTD. Cải cách tập trung vào việc đưa thêm nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích hiện đại, trên nền tảng công nghệ vào phục vụ người dân và gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính trong từng sản phẩm. Các sản phẩm mới cắt giảm thủ tục phải bảo đảm giảm chi phí cho người dân như giảm chi phí đi lại, giảm giấy tờ, kể cả phí thanh toán.
Về phía NHNN thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung rà soát lại các cơ chế quy định còn gây khó khăn trong hoạt động của các TCTD để xử lý tích cực, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho TCTD và làm cơ sở để đa dạng hóa các dịch vụ hữu ích cho người dân. Trên cơ sở rà soát ấy, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Tòa án… cùng tháo gỡ những cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành hiện còn đang vướng mắc. Đồng thời, phối hợp xem xét xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với các TCTD, thí dụ như thông tin nợ thuế, nộp thuế… để ngân hàng có thông tin nhiều chiều về kết quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần cắt giảm thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho vay, hay cung ứng các dịch vụ. Với những nỗ lực đã, đang thực hiện, NHNN mong muốn tạo môi trường hoạt động thông thoáng nhất cho các TCTD trên cơ sở pháp lý ổn định và minh bạch, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như hỗ trợ tốc độ hội nhập của nền kinh tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo nhandan
Ý kiến ()