Gần đây, hàng loạt bác sĩ ở các bệnh viện công sang đầu quân cho Bệnh viện đa khoa Quốc tế Việt Nam VINMEC ở Hà Nội. Bệnh viện này đưa ra mức lương hậu hĩnh kèm theo những bảo đảm cho công việc. Chẳng hạn, một tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa thần kinh được mời chào với mức lương là bảy nghìn USD/tháng, ký hợp đồng liền ba năm. Các nhân viên y tế sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại, điều kiện phục vụ tốt nhất, không chịu áp lực từ những việc ngoài chuyên môn.Không chỉ VINMEC, hàng loạt bệnh viện, phòng khám tư sẵn sàng trả lương cao để thu hút bác sĩ giỏi, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Trong khi đó, không ít bệnh viện công xuống cấp về cơ sở hạ tầng, nhiều năm không được đầu tư nâng cấp, lương bổng thấp, khiến cho cán bộ y tế phải trăn trở chuyện làm thêm. Đơn cử như Bệnh viện Xanh Pôn xuống cấp nặng nề đến mức người bệnh phải ngồi ngoài hành lang để chữa bệnh, nhiều tòa nhà đã...
Gần đây, hàng loạt bác sĩ ở các bệnh viện công sang đầu quân cho Bệnh viện đa khoa Quốc tế Việt Nam VINMEC ở Hà Nội. Bệnh viện này đưa ra mức lương hậu hĩnh kèm theo những bảo đảm cho công việc.
Chẳng hạn, một tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa thần kinh được mời chào với mức lương là bảy nghìn USD/tháng, ký hợp đồng liền ba năm. Các nhân viên y tế sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại, điều kiện phục vụ tốt nhất, không chịu áp lực từ những việc ngoài chuyên môn.
Không chỉ VINMEC, hàng loạt bệnh viện, phòng khám tư sẵn sàng trả lương cao để thu hút bác sĩ giỏi, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Trong khi đó, không ít bệnh viện công xuống cấp về cơ sở hạ tầng, nhiều năm không được đầu tư nâng cấp, lương bổng thấp, khiến cho cán bộ y tế phải trăn trở chuyện làm thêm. Đơn cử như Bệnh viện Xanh Pôn xuống cấp nặng nề đến mức người bệnh phải ngồi ngoài hành lang để chữa bệnh, nhiều tòa nhà đã xuống cấp đến mức không thể sửa chữa thêm. Rồi chuyện phong bì trong bệnh viện, áp lực do các yếu tố phi y tế, sức ép từ chuyên môn đè nặng khiến cho nhiều thầy thuốc làm việc trong tình trạng hết sức căng thẳng. Thầy thuốc giỏi ít có thời gian để nghiên cứu, nâng cao trình độ, ít có thời gian nghỉ ngơi. Tình trạng này đã xảy ra trong nhiều năm nay và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Sự chuyển biến chậm chạp của ngành y tế khiến cho người dân hoài nghi về năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Thiết nghĩ Chính phủ và Bộ Y tế cần coi việc đổi mới cơ chế tài chính ở các bệnh viện công là khâu đột phá. Vì, chỉ có đổi mới cơ chế tài chính mới tạo ra động lực để các bệnh viện tăng đầu tư cho đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Cùng với việc đổi mới cơ chế tài chính, ngành y tế cần chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý, điều hành ở các cơ sở y tế công lập theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Cơ chế tài chính cần hướng tới điều chỉnh giá dịch vụ hợp lý, sát với chi phí cho việc khám, chữa bệnh, bảo đảm nguồn tài chính để bệnh viện duy trì và phát triển hoạt động. Nhà nước cần cho phép các bệnh viện áp dụng chế độ trả lương đặc biệt cho cán bộ y tế giỏi, thực hiện chế độ thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường chuyên môn. Đổi mới phải làm tăng tính minh bạch trong thu chi tài chính, tăng thu nhập của thầy thuốc, đồng thời giảm chi phí quản lý. Người dân luôn trông mong có sự rõ ràng về trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế, hy vọng ở sự công bằng trong khám, chữa bệnh. Y đức hết sức quan trọng, nhưng y đức chỉ có thể thực hiện được khi có cơ chế quản lý hợp lý, minh bạch, thông thoáng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()