Cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg đã nêu rõ: Điều chỉnh giảm mức thuế suất chung thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN xuống thấp hơn mức 25% như hiện hành cần nhanh chóng được thực hiện để hỗ trợ kịp thời các DN.Xu hướng giảm thuế TNDN trên thế giớiTS V.P.Gan-đi, chuyên gia thuế quốc tế cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện giảm thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trong điều kiện toàn cầu. Tại châu Âu, thuế suất bình quân thuế TNDN của nhiều nước đã giảm từ khoảng 40% năm 1995 xuống còn...
Xu hướng giảm thuế TNDN trên thế giới
TS V.P.Gan-đi, chuyên gia thuế quốc tế cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện giảm thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trong điều kiện toàn cầu. Tại châu Âu, thuế suất bình quân thuế TNDN của nhiều nước đã giảm từ khoảng 40% năm 1995 xuống còn 23% năm 2012. Gần đây, nhiều nước ASEAN cũng đã tiến hành giảm thuế suất thuế TNDN và có kế hoạch tiếp tục giảm hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể: Xin-ga-po đã giảm thuế suất thuế TNDN từ mức 26% năm 2000 xuống còn 17%. Ma-lai-xi-a cũng giảm từ 28% xuống còn 25%. Các nước như Bru-nây có thuế suất thuế TNDN chỉ ở mức 22%; Cam-pu-chia là 20%… Nếu tính bình quân toàn cầu thì thuế suất thuế TNDN là 24,9%. Rõ ràng, giảm thuế suất thuế TNDN là một trong những xu hướng quốc tế về thuế TNDN đang diễn ra hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban Thuế (Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu – Eurocham) Tôm Mắc Clê-len nhìn nhận, một trong những thay đổi tích cực lớn nhất của Luật Thuế TNDN năm 2009 của Việt Nam là giảm thuế suất từ 28% xuống còn 25%, giúp cho Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nước khác trong khu vực cũng thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN của mình thấp hơn nữa như Thái-lan đã giảm mức thuế suất này xuống 23% vào năm 2012 và sẽ tiếp tục giảm xuống 20% từ ngày 1-1-2013. Thuế suất thuế TNDN thường được coi là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy, Việt Nam cần giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% và áp dụng mức thuế suất này trong thời gian sớm nhất có thể.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, tốt nhất giảm mạnh thuế TNDN xuống mức 20%, nếu xuống 17% thì càng tốt để DN có nguồn lực tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nếu thuế suất cao sẽ làm DN mất động lực tạo lợi nhuận cũng như DN không còn nguồn để tái đầu tư, lại phải quay ra vay ngân hàng. Trong trường hợp này, Nhà nước sẽ thiệt vì không thu được nhiều thuế TNDN do lãi vay ngân hàng lại được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, từ đó DN giảm nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cũng đề nghị mạnh dạn giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%, thay vì giảm từng bước xuống 22 đến 23% như dự kiến. Đồng thời, đã đến lúc Việt Nam cần khống chế tỷ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu của các DN. Cần bổ sung quy định đối với khoản chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh tối đa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Có thể quy định không vượt quá năm lần vốn điều lệ hay dựa trên cơ sở nào đó để bảo đảm phù hợp với thực tế và cơ quan quản lý có thể kiểm tra, kiểm soát được.
Cải cách chính sách và thực thi chính sách
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu so với mức thuế suất thuế TNDN trên thế giới thì mức thuế suất 25% của Việt Nam là không cao hơn nhưng trên thực tế, nhiều DN lại phản ánh tính ra họ phải nộp thuế cao hơn mức thuế suất 25%, bình quân phải nộp tới 28%, có lĩnh vực là 30% vì tại nhiều nước cho phép giảm trừ nhiều khoản chi phí vào thu nhập của DN để tính thuế nhưng Việt Nam thì không cho phép. Bên cạnh đó, nhiều khoản chi phí hợp lý của DN, dù có xem hóa đơn, sổ sách kế toán nhưng cơ quan thuế không công nhận chi phí đó là hợp lệ thì DN cũng đành chịu… Bằng nhiều cách khác nhau, giữa thuế suất chính thức và thuế suất thực tế là một khoảng cách, vấn đề còn là thực hiện chính sách thuế như thế nào.
Chủ tịch Ủy ban Thuế (Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu – Eurocham) Tôm Mắc Clê-len cho biết, giới hạn về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… làm cho thuế thực tế mà các DN phải trả (trên lợi nhuận thực tế) cao hơn nhiều so với mức thuế suất mà Luật Thuế TNDN đưa ra. Đối với một số công ty thành viên của Eurocham, thuế suất thuế TNDN thực tế có thể cao gấp ba lần thuế suất thông thường của Luật Thuế TNDN. Do đó, hiệu quả kinh doanh của DN giảm, tác động tới bất kỳ một quyết định nào liên quan tới đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư hiện tại ở Việt Nam.
Còn theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, một trong những tồn tại của thuế TNDN hiện nay là việc xác định doanh thu, thời điểm xác định doanh thu, chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế còn chưa rõ ràng, trong đó có chi phí tuyên truyền quảng cáo. Vì vậy, khi tính toán sửa đổi thuế TNDN, cần thống nhất nguyên tắc chi phí được trừ vào thu nhập tính thuế TNDN, kèm theo danh mục chi phí không được trừ, nên rõ ràng, minh bạch hơn các khoản chi phí không được trừ. “Cải cách chính sách thuế và quản lý thực thi chính sách phải bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Chính sách thuế TNDN rõ ràng và minh bạch chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ các DN hoạt động cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thực tế việc cải cách chính sách thuế TNDN và thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở các nước gần đây cho thấy, vấn đề bảo đảm bền vững nguồn thu ngân sách được nhiều nước đặc biệt chú ý, nhất là trong bối cảnh gia tăng nợ công ở nhiều nước. Cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT cũng đồng thời phải gắn với các biện pháp cải cách về hành chính thuế, từng bước giảm chi phí tuân thủ về thực hiện nghĩa vụ thuế cho DN. Vì vậy, sự lựa chọn bước đi và lộ trình cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT liên quan đến sự đánh đổi giữa nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó một mặt phải bảo đảm sự ổn định nguồn thu cho ngân sách để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, mặt khác phải hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phát triển.
Theo Bộ Tài chính, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN sẽ được trình Quốc hội vào năm 2013 để áp dụng từ năm 2014.
Theo Nhandan
Ý kiến ()