Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Thành tựu và thách thức
(LSO) – Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả nhất định.
Từ chủ trương đúng đắn
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã đề ra Chương trình hành động số 103-CTr/TU ngày 26/10/2018 thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT, đảm bảo thực hiện hiệu quả lộ trình đề ra.
Cán bộ “một cửa” của BHXH tỉnh hướng dẫn người dân làm các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Chính phủ về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, BHXH tỉnh ban hành Kế hoạch số 1018/KH-BHXH ngày 7/11/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28, trong đó xác định mục tiêu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 28 và Chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, đề ra giải pháp thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 28 để chỉ đạo; tăng cường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, phấn đấu thực hiện mục tiêu trên địa bàn từng huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho UBND huyện thành lập ban chỉ đạo phát triển đối tượng ở cấp huyện để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Hữu Lũng cho biết: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, BHXH huyện tham mưu cho Huyện ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP. Cùng với đó, BHXH huyện thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 28 tại các cuộc họp của đơn vị; cụ thể hóa nội dung nghị quyết vào công tác; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho cán bộ trong ngành, gắn việc khai thác phát triển đối tượng với phong trào thi đua nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng bộ truyền thông
Để Nghị quyết 28 đi vào cuộc sống, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Đáng chú ý, những năm qua, BHXH và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua hội nghị báo cáo viên của tỉnh ủy nhằm định hướng công tác tuyên truyền BHXH, BHYT cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan báo chí trên địa bàn. Đồng thời phối hợp đưa nội dung về chính sách, pháp luật và tình hình tổ chức thực hiện BHXH, BHYT vào Bản tin Thông báo nội bộ hằng tháng của Ban Tuyên giáo để các chi, đảng bộ phổ biến đến các đảng viên trong các kỳ sinh hoạt Đảng, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về BHXH, BHYT cho đảng viên.
Tại một số huyện, ban tuyên giáo còn tích cực, chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT… góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến người dân.
Nhằm tuyên truyền đồng bộ, hiệu quả, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể: phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh thông qua việc đăng tải các tin bài, văn bản pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Trong gần 3 năm qua, BHXH tỉnh đã đăng tải hơn 700 tin bài, 230 văn bản trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền thông qua hội nghị, tập huấn, tư vấn, đối thoại trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở tiếp tục được BHXH tỉnh quan tâm đẩy mạnh với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Từ năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, hội, đoàn thể, đại lý thu… tổ chức được hơn 20 buổi tập huấn với gần 1.600 người dự; gần 600 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với sự tham gia của khoảng 27.800 đối tượng tham gia. Ngoài ra, cán bộ ngành BHXH và nhân viên đại lý thu còn trực tiếp đến hàng ngàn gia đình, hộ kinh doanh để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Chuyển biến rõ nét
Từ chủ trương đúng đắn và những giải pháp tuyên truyền đồng bộ, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh.
Chị Trần Thu Thuỷ, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Qua nghe cán bộ BHXH tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH tự nguyện tôi đã cân nhắc nguồn thu nhập và tham gia đóng với mức hơn 1 triệu đồng/năm. Hy vọng công việc thuận lợi để tôi có thể đóng lâu dài, tích luỹ sau này về già sẽ có lương hưu.
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh có 737.145 đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, 64.663 người tham gia BHXH, bằng 12,9% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (số người tham gia BHXH bắt buộc: 52.689 người, tăng 0,86% so với năm 2017; số người tham gia BHXH tự nguyện: 11.974 người, tăng 452,6% so với năm 2017, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện bằng 2,4% lực lượng lao động, cao hơn 1,4% so với mục tiêu đến năm 2021 của Nghị quyết số 28).
Cùng với công tác phát triển đối tượng, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh Lạng Sơn hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo thuận lợi cho người hưởng, đúng thời gian, chế độ quy định và thời hạn giải quyết, không xảy ra mất mát hoặc xâm tiêu tiền chi trả. Hiện nay, BHXH tỉnh đang quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho hơn 29.730 người, bằng 27,2% số người sau độ tuổi nghỉ hưu trong tỉnh (109.517 người), còn thiếu 17,8% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 mà Nghị quyết 28 đề ra.
Ngành BHXH đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng giao dịch điện tử nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.710/2.730 đơn vị sử dụng lao động đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, đạt tỷ lệ 99,3%, còn thiếu 0,7% so với mục tiêu đề ra.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù đạt một số kết quả thiết thực, tuy nhiên vẫn còn không ít thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết 28. Trong đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thường xuyên trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, chưa đưa kết quả thực hiện Nghị quyết 28 là một trong chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, chưa gắn kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT với đánh giá chất lượng cơ quan, đơn vị và đánh giá công chức, viên chức, lao động.
Cùng với đó, sự phối hợp tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT ở một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH cho người lao động chưa đầy đủ; còn nhiều người lao động hưởng chế độ trợ cấp BHXH một lần; còn nhiều đối tượng dừng đóng BHXH tự nguyện.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành BHXH đề ra một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 28. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Chú trọng tuyên truyền đến các nhóm đối tượng như: người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, ngoài quốc doanh; người lao động kinh doanh tự do; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình…
Chương trình hành động số 103-CTr/TU ngày 26/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra mục tiêu 3 giai đoạn cụ thể và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 khoảng 35%, đến năm 2025 khoảng 45% và đến năm 2030 khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.Đồng thời, Chương trình hành động đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng số lượng doanh nghiệp và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường sự lãnh đạo của đảng, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. |
Ý kiến ()