"Cái bắt tay" gây tranh cãi
Cần một giải pháp toàn diện nhằm mang lại hòa bình cho Libya
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với GNA, chính phủ được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận ở Libya, sau khi hai bên cũng vừa ký một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển, văn kiện vốn vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA, lực lượng đang kiểm soát thủ đô Tripoli và đối đầu với lực lượng ở miền đông ủng hộ Tướng K.Haftar. Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan khẳng định Ankara sẽ cải thiện hợp tác với Tripoli thông qua hoạt động hỗ trợ quân sự dành cho GNA và ủng hộ những bước đi chung mà hai nước đang triển khai ở Ðịa Trung Hải, Quốc hội nước này đang soạn thảo một dự luật nhằm cho phép triển khai binh sĩ tới Libya.
Từ nước láng giềng của Libya, Tổng thống Ai Cập A.Sisi cảnh báo các ý định “kiểm soát” Libya là mối đe dọa không chỉ đối với nước này mà còn đối với vấn đề an ninh của Ai Cập. Lo ngại những động thái của Ankara sẵn sàng can thiệp vào Libya, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow đã bày tỏ lo ngại rất lớn về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ đến Libya, cũng như thỏa thuận an ninh vừa đạt được giữa hai nước này. Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) nêu rõ, những diễn biến chính trị ở Libya đã đặt sự thống nhất của nước này vào chỗ nguy hiểm; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi. UNSMIL tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một quan điểm quốc tế thống nhất về cuộc khủng hoảng Libya, đồng thời hối thúc người dân trở lại đối thoại, bảo vệ mạng sống của những người vô tội, chấm dứt hoạt động giao tranh, hạn chế sự can thiệp bên ngoài và ngăn chặn việc có thêm các thảm họa đối với dân thường.
Ðã gần chín năm kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi, Libya vẫn chưa thể tìm kiếm được sự ổn định. Quốc gia này rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang. Hiện ở Libya tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli, trong khi lực lượng của Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền đông đang tiến hành các chiến dịch nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli. Giao tranh đã khiến hàng nghìn người chết và buộc 120 nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại nước này. Cuộc khủng hoảng Libya trở nên phức tạp bởi có sự can thiệp của bên ngoài. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italy ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga, Pháp.
Thỏa thuận về phân định biên giới ở Ðịa Trung Hải được ký mới đây giữa Chính phủ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải sự phản đối của một số nước trong khu vực. Hy Lạp và Israel cáo buộc thỏa thuận này nhằm hướng tới thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển mà Hy Lạp và CH Síp cũng nhận chủ quyền. Căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sau khi Ankara ký thỏa thuận với Libya. Mới đây đã xảy ra vụ phóng hỏa nhằm vào ô-tô của một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Thessaloniki ở Hy Lạp, gây tâm lý hoài nghi, trong bối cảnh bất đồng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.
Lo ngại các động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Libya tác động tiêu cực tới tình hình khu vực Bắc Phi vốn đã chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột kéo dài, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi tránh sự can thiệp của bên ngoài vào tình hình quốc gia Bắc Phi này. Thủ tướng Ðức A.Merkel cho biết, Béc-lin đang chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế về Libya, dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Ðức nói riêng và châu Âu nói chung mong muốn một đất nước Libya ổn định, coi đây là nhân tố quan trọng giúp ngăn chặn làn sóng di cư xuất phát từ bờ biển Bắc Phi sang châu Âu. Một giải pháp toàn diện nhằm mang lại hòa bình cho Libya đang được tìm kiếm, song những diễn biến hiện nay cho thấy đây là tiến trình đầy khó khăn và khó có thể đạt đích đến trong thời gian ngắn, do lập trường của các bên liên quan còn cách xa nhau.
Ý kiến ()