Cách thế giới có thể tháo gỡ “quả bom hẹn giờ” biến đổi khí hậu
“Nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể bảo đảm một tương lai bền vững, đáng sống cho tất cả mọi người”, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Hoesung Lee nhấn mạnh khi công bố báo cáo tổng hợp mới nhất về biến đổi khí hậu.
Tăng tốc hành động
Năm 2018, IPCC đã khiến thế giới nhận ra thách thức chưa từng có trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Năm năm sau, IPCC cho rằng thách thức thậm chí còn trở nên lớn hơn khi lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng cao. Tốc độ và quy mô của những gì đã được thực hiện cho đến nay không đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học nói rằng hơn một thế kỷ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch cũng như sử dụng đất đai và năng lượng không đồng đều đã dẫn đến sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,1 độ C. Điều này đã khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, ảnh hưởng đến mọi người trên khắp thế giới.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, báo cáo của IPCC trình bày chi tiết cách con người chịu trách nhiệm về hầu hết sự nóng lên toàn cầu. “Nhân loại đang ở trên lớp băng mỏng và lớp băng đó đang tan chảy nhanh chóng. Quả bom hẹn giờ của khí hậu đang kêu tích tắc”, ông Guterres nhấn mạnh.
Người dân băng qua dòng nước lũ ở huyện Shikarpur, tỉnh Sindh, Pakistan, tháng 9-2022. Ảnh: AP |
Công bằng khí hậu
Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Bà Aditi Mukherji, một trong 93 tác giả của báo cáo nhấn mạnh: “Công bằng khí hậu là rất quan trọng vì những quốc gia ít tác động nhất vào biến đổi khí hậu đang bị ảnh hưởng một cách không tương xứng”.
Gần một nửa dân số thế giới sống ở những khu vực rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Trong thập kỷ qua, số người chết vì lũ lụt, hạn hán và bão ở những khu vực này cao gấp 15 lần ở những khu vực khác. Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) do Ai Cập đăng cai tổ chức hồi tháng 11-2022, một thỏa thuận đột phá đã được thực hiện để thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Các nước phát thải lớn cần nỗ lực hơn
Tại buổi công bố báo cáo của IPCC, Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh, thế giới cần hành động vì khí hậu trên mọi mặt trận. Ông Guterres đã đề xuất với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về một “Hiệp ước đoàn kết khí hậu”. Thỏa thuận này sẽ chứng kiến tất cả các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải.
Các quốc gia giàu có cũng được kêu gọi tài trợ để giúp các nền kinh tế mới nổi duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Theo người đứng đầu LHQ, các nước phát triển cần phải nhấn “nút chuyển tiếp nhanh” về thời hạn đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Ông Guterres cho biết: “Cụ thể, các nhà lãnh đạo của những nước phát triển phải cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt trước năm 2040, giới hạn mà tất cả nước này nên hướng tới”.
Phát triển thích ứng
Một giải pháp được IPCC đề cập là phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc tích hợp các biện pháp thích ứng cùng các hành động giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính theo cách mang lại nhiều lợi ích hơn. Các nhà khoa học lưu ý, để đạt hiệu quả, những biện pháp này cần phù hợp với khu vực áp dụng.
Ông Christopher Trisos, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Những lợi ích lớn nhất có thể đến từ việc ưu tiên giảm thiểu rủi ro khí hậu cho các nhóm có thu nhập thấp và bị thiệt thòi, bao gồm cả những người sống trong các khu định cư không chính thức”. Tuy nhiên, ông Trisos lưu ý, việc tăng tốc hành động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chỉ xảy ra nếu có sự gia tăng gấp nhiều lần về tài chính. Hiện nay, nguồn tài chính không đủ và không phù hợp đang kìm hãm tiến độ của quá trình này.
Chia sẻ
Theo IPCC, cần nhân rộng các phương pháp mang lại khả năng cắt giảm khí thải sâu và phục hồi tự nhiên đã và đang được thử nghiệm trên thế giới. Chủ tịch IPCC Lee nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đa dạng, trong đó mọi người đều có những trách nhiệm và các cơ hội khác nhau để mang lại sự thay đổi. Một số có thể làm được rất nhiều trong khi những người khác sẽ cần hỗ trợ”.
Ông Lee khẳng định, những thay đổi mang tính bước ngoặt có nhiều khả năng thành công hơn khi mọi người làm việc cùng nhau để ưu tiên giảm thiểu rủi ro và khi lợi ích cũng như gánh nặng được chia sẻ một cách công bằng.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()