Cách nào để các doanh nghiệp cơ khí làm chủ thị trường?
Thợ lắp máy Lilama trên công trường Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu năm 2010, ngành cơ khí phải bảo đảm 40-45% nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu (XK) khoảng 30-35%. Tuy mới đạt 20-25% nhu cầu trong nước và 15% XK, nhưng ngành cơ khí đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhờ những chính sách và cơ chế đặc biệt. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp vươn lên làm chủ thị trường, Nhà nước cần điều chỉnh một số cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn.Khoảng mười năm trước, nước ta chỉ đóng được tàu biển trọng tải nhỏ, nhờ "cú hích" của Chính phủ, các nhà máy đóng tàu đã có đủ năng lực đóng tàu trọng tải 6.500 tấn, 22.500 tấn, rồi 53 nghìn tấn, hơn 100 nghìn tấn, hoặc tàu chở ô-tô, kho nổi chế xuất dầu,... Đối với ngành công nghiệp ô-tô, nhờ một số chính sách ưu đãi, nhiều thương hiệu đã hình thành và tạo dựng được tên tuổi như Vinaxuki, Trường Hải,...
|
Khoảng mười năm trước, nước ta chỉ đóng được tàu biển trọng tải nhỏ, nhờ “cú hích” của Chính phủ, các nhà máy đóng tàu đã có đủ năng lực đóng tàu trọng tải 6.500 tấn, 22.500 tấn, rồi 53 nghìn tấn, hơn 100 nghìn tấn, hoặc tàu chở ô-tô, kho nổi chế xuất dầu,… Đối với ngành công nghiệp ô-tô, nhờ một số chính sách ưu đãi, nhiều thương hiệu đã hình thành và tạo dựng được tên tuổi như Vinaxuki, Trường Hải, TMT,… Thời điểm bắt đầu xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam (VAMI) đã đề xuất Chính phủ cho phép các DN cơ khí trong nước đảm nhiệm mảng cơ khí thủy công. Chính phủ đã quyết định giao khoảng 50% khối lượng cơ khí thủy công tại Thủy điện Sơn La cho các DN trong nước. Các DN đã tự học hỏi thiết kế, chế tạo cơ khí thủy công, dần xây dựng được lực lượng trong nước. Nếu không có “bàn tay” của Nhà nước, không biết đến bao giờ các DN trong nước mới trưởng thành. Các DN đã bước đầu đảm nhận vai trò tổng thầu EPC. Nếu như không có EPC Nhiệt điện Uông Bí, sẽ không thể có EPC các công trình lớn như điện Cà Mau, Nhơn Trạch hay Vũng Áng.
Để tạo “chỗ đứng” cho các DN cơ khí và có cơ hội vươn lên làm chủ thị trường, VAMI đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án nhà máy nhiệt điện. Ngoài các nhà máy đã hoặc dự kiến giao cho LILAMA làm tổng thầu, cần để các DN trong nước có điều kiện tham gia thực hiện một số hạng mục. Các hạng mục công việc có thể tách ra thành các gói thầu độc lập trong nước thực hiện như hệ thống cung cấp than, xử lý nước và nước thải, lọc bụi tĩnh điện,… Ngoài ra, phần kết cấu thép đi kèm gói thiết bị chính trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được, do vậy, cần có điều kiện với nhà thầu chính trong việc tách phần kết cấu thép để trong nước làm trong trường hợp họ trúng thầu. VAMI đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép chỉ định thầu cho “Liên danh các nhà thầu” hình thành các đơn vị thuộc VAMI như Viện Nghiên cứu cơ khí, LILAMA,… do Viện Nghiên cứu cơ khí làm đại diện, thực hiện việc thiết kế và cung cấp một số danh mục thiết bị cho một số dự án nhiệt điện nêu trên. Do không phải đấu thầu cho nên giá trị hợp đồng phải thấp hơn 1-2% giá trị dự toán gói thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tập đoàn (chủ đầu tư dự án): Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản khi xây dựng dự án cần tách các hạng mục sẽ nội địa hóa thành gói thầu độc lập để giao cho DN trong nước thực hiện. Đồng thời, cho phép miễn thuế VAT, thuế nhập khẩu và các loại thuế liên quan đối với dịch vụ thiết kế thuê từ nước ngoài, các vật tư và thiết bị nhập khẩu dùng để chế tạo các hạng mục,…
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC, tách thành các gói thầu riêng biệt để tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đấu thầu và thực hiện. Nhất là, gói thầu EPC mà các nhà thầu trong nước có khả năng đảm nhiệm được hơn 50% khối lượng công việc, thì không đấu thầu quốc tế mà đấu thầu rộng rãi trong nước.
Về Luật Đấu thầu, do chưa phù hợp điều kiện và hoàn cảnh nước ta mới bước vào hội nhập, VAMI kiến nghị Chính phủ sửa Luật Đấu thầu, tăng ưu đãi cho gói thầu tư vấn và gói thầu mua sắm hàng hóa nhằm tăng thêm khả năng thắng thầu của các nhà thầu trong nước; siết chặt quản lý đối với lao động nước ngoài. Các dự án đầu tư công nghiệp mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư phải xây dựng phương án sử dụng năng lực thiết kế, thi công, chế tạo, lắp đặt và sử dụng nguyên vật liệu trong nước đã sản xuất được; dự án do chủ thầu nước ngoài thực hiện phải có quy định của Chính phủ bắt buộc ký liên danh cung cấp một phần trang thiết bị do doanh nghiệp cơ khí trong nước cung cấp. Các dự án trọng điểm quốc gia cần chỉ định thầu cho tổ hợp nhà thầu trong nước làm chủ, nhà thầu nước ngoài là thầu phụ. Để giá thành các hàng cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được, các vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để chế tạo các sản phẩm cơ khí phải được áp dụng mức thuế suất, thuế nhập khẩu bằng 0 hoặc mức thuế sàn theo cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Ngoài ra, VAMI cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế quản lý, mua sắm hàng hóa thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư phải sử dụng hàng trong nước đã sản xuất được giảm nhập siêu, tạo việc làm cho lao động trong nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()