Cách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho con đường Hồ Chí Minh lựa chọn
– Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam, chúng thực hiện chính sách nhằm thôn tính nước ta. Triều đình nhà Nguyễn lúc đó bất lực, bạc nhược, từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng hoàn toàn. Năm 1884, với việc ký kết với Pháp Hiệp ước Patơnốt, nhà Nguyễn hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp, đồng thời cũng biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Tính chất xã hội Việt Nam thay đổi: từ một xã hội phong kiến có độc lập chủ quyền sang xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Cũng từ đây, Nhân dân ta sống trong kiếp ngựa trâu, bị bóc lột tàn bạo về kinh tế, bị áp bức về chính trị và nô dịch về tinh thần.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, ý chí quật cường mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng được xây dựng, bồi đắp, hun đúc và tôi luyện qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, phong trào cứu nước của Nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng miền trong cả nước, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân, các sĩ phu yêu nước và cả một bộ phận quan lại phong kiến tham gia. Các phong trào yêu nước thời kì này diễn ra rất sôi nổi theo các khuynh hướng khác nhau, tiêu biểu có phong trào Cần Vương, Khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du hay xu hướng dân chủ tư sản. Tuy nhiên, tất cả các phong trào đều bị thất bại.
Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu gian trưng bày các cuốn sách về Cách mạng tháng Tám cho bạn đọc. Ảnh: TUYẾT MAI
Thực tế thất bại của các phong trào cách mạng đã chỉ ra rằng: Con đường cách mạng theo khuynh hướng phong kiến hay dân chủ tư sản mà cha ông ta đang đi không thể lãnh đạo toàn dân chống Pháp giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Cách mạng Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối lãnh đạo, thiếu một phương pháp cách mạng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn lịch sử. Điều này đòi hỏi phải có một con đường cứu nước mới với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để có thể dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thành công. Trước đòi hỏi mới về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, một yếu nhân lịch sử đã xuất hiện đáp ứng yêu cầu lịch sử, đó là Nguyễn Tất Thành – người đã tận mắt chứng kiến sự bóc lột, cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, chứng kiến các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta bị đàn áp dã man. Với lòng yêu nước thương dân, mang trong mình truyền thống bất khuất của dân tộc, mặc dù rất khâm phục những người lãnh đạo, những người tham gia các phong trào đấu tranh chống xâm lược nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của các vị tiền bối. Với động lực yêu nước, mong muốn tìm đường cứu nước, thôi thúc Người ra đi, đến nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào sẽ trở về giúp đồng bào.
Hành trang của Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh khi đó chỉ là hai bàn tay trắng, đôi mắt sáng ngời, một tấm lòng yêu nước thương dân, một tâm hồn luôn khao khát giải phóng cho dân tộc Việt Nam đang chìm trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân. Hành trang ấy tuy giản dị nhưng nó là sự kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, được bổ sung bằng truyền thống quê hương Xứ Nghệ, của gia đình. Trải qua cuộc hành trình đầy gian khổ, qua nhiều đại dương và lục địa đã giúp Nguyễn Ái Quốc có một lựa chọn đúng đắn con đường cứu nước, con đường cách mạng theo Lênin. Từ đây, Người đã dứt khoát đi theo con đường đó. Đó là con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác – Lênin, kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Người nói “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”
Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là bước ngoặt trọng đại trong quá trình khảo sát, nghiên cứu lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Để hiện thực đường lối cách mạng đó, Người tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của chính đảng mácxít. Sự kiện mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, phản ánh quy luật phát triển tất yếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở nước ta. Sự ra đời của Đảng chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, khởi đầu và mở đường cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo và hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dân tộc ta đã làm nên những chiến thắng vĩ đại.
Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng đầu tiên cho sự trưởng thành của Đảng sau 15 năm thành lập, một cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam chống xâm lược và ách thống trị của chủ nghĩa tư bản Pháp và phát xít Nhật kéo dài hơn 80 năm.
Cách mạng Tháng Tám đã trút bỏ ách nô lệ và đưa Nhân dân Việt Nam lên vị trí của những người làm chủ đất nước, giải phóng và nâng cao năng lực, ý chí của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cứu dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa suy kiệt, tàn lụi vì sự tước đoạt đến xương tủy và chính sách đầu độc, ngu dân kết hợp với hành động đàn áp, khủng bố man rợ của thực dân, phát xít. Những giá trị văn hóa cao đẹp, giàu bản sắc sáng tạo, độc đáo của dân tộc được khôi phục, bảo vệ và phát triển.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một đảng mới 15 năm tuổi có thể lãnh đạo cách mạng giành chính quyền thành công ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự kiện thành công của con đường cách mạng giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là con đường cách mạng vô sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định với mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ Nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu thắng lợi đầu tiên của con đường đó và ghi nhận thành quả hiện thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần chủ động cách mạng “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đây cũng là thắng lợi để lại những bài học lịch sử vô cùng quý báu và là hành trang, động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo của thời đại, vượt qua hiểm nguy để lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cho đến hôm nay đã trải qua 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã, đang và luôn luôn tỏa sáng, thôi thúc đất nước ta, Nhân dân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiến lên phía trước, dựng xây nước nhà ngày càng giàu mạnh
LƯƠNG THỊ TUYÊN
Ý kiến ()