Chủ nhật, 29/12/2024 20:39 [(GMT +7)]
Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh cho cuộc đời tôi
Thứ 6, 17/08/2012 | 08:28:00 [(GMT +7)] A A
Mới giành chính quyền được đúng 1 ngày, ngay hôm sau (26/8/1945) quân đội Tưởng Giới Thạch núp bóng đồng minh đã đưa 12 vạn quân vào thị xã cướp bóc và yêu sách chúng ta bàn giao lại các công sở cho chúng. Trước tình thế đó, ta phải rút bộ đội ra ngoài, vận động nhân dân làm “vườn không nhà trống” tiến hành bao vây kinh tế địch. Chúng tôi được lệnh rút về Ba Xã để huấn luyện củng cố lực lượng và chờ lệnh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lớp thanh niên chúng tôi lại cùng dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với một sự tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng.
LSO-Tuy ở những địa phương được gọi là vùng sâu, vùng xa, song sau khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy cũng rất nhạy bén với tình hình cách mạng. Qua các nguồn tin, chúng tôi được biết, năm 1941, tại Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh đã ra đời, và cuối năm 1941, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao- Bắc- Lạng đã thành lập để thống nhất chỉ đạo phong trào. Giai đoạn từ 1942-1944, phong trào Việt Minh đã phát triển ở Bắc Sơn, Tràng Định, Thoát Lãng, Bình Gia. Các đoàn thể như “ Nông dân cứu quốc”, “ Phụ nữ cứu quốc”, “ Thanh niên cứu quốc” đã hình thành ở những địa phương này. Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Điềm He, Bằng Mạc, Cao Lộc…và khu vực Ba Xã của chúng tôi. Sau các sự kiện giành chính quyền ở các địa phương, ngày 15/8/1945, đội giải phóng quân do các ông Bảo An, Liên Đoàn, Hồng Vình chỉ huy tiến thẳng về Ba Xã (Văn Quan). Khi ấy tôi ở bản Nầng (xã Tân Đoàn) các anh cho gọi tôi và anh Vĩnh Nguyên đến để giao nhiệm vụ; song khi đến nơi, các anh đã chuyển đi nơi khác. Chúng tôi phải tìm đến tận bản Nhuần để gặp và được giao nhiệm vụ bảo vệ dân, tuyên truyền, cổ động ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh; tôi giữ chức Bí thư Nông hội kiêm Trung đội trưởng dân quân. Tôi tên là Hoàng Vĩnh Khoan, nhưng anh cán bộ nói rằng “ Cách mạng sẽ thắng lợi và nhất định thắng lợi. Anh là trung đội trưởng dân quân phải tỏ rõ quyết tâm đó. Vậy anh nên mang tên là Thắng Lợi”. Từ đó, tôi có tên là Hoàng Thắng Lợi. Hôm sau, các anh đến tận nhà tôi ở bản Nầng họp, ăn cơm xong, chiều hôm ấy tôi và anh Vĩnh Nguyên đưa đoàn về Xuân Long. Ngày 19-8-1945, chúng tôi cùng lực lượng vũ trang cách mạng huy động nhân dân nổi dậy phá Lò Diêm ở Lùng Yên (Tân Đoàn – Văn Quan). Khí thế cách mạng của nhân dân lên rất cao. Ngày 24-8-1945, một hội nghị quan trọng được tổ chức tại hang Phai Rọ, lãnh đạo có các ông Liên Đoàn, Bảo An và nhiều người tôi không biết tên, có ông Phan Minh Tuệ là Thượng cấp, đại diện cho Trung ương dự họp. Chúng tôi được phân công canh gác cho hội nghị này. Hội nghị đã ra quyết định quan trọng: tiến hành vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn. Ngay trong đêm 24-8, lực lượng vũ trang và quần chúng tập trung đông đủ, ông Vạn Thắng cầm cờ đi trước từ Ba Xã tiến ra quốc lộ 1A đoạn Km 16 lên tỉnh lỵ; tôi dẫn trung đội đi theo con đường bản Nầng- Tràng Các- Xuân Long đi lên và gặp nhau tại km5 quốc lộ 1A, đến khu Ba Toa chia thành 2 cánh quân bao vây dinh tỉnh trưởng. Hầu như đã được chuẩn bị sẵn, thấy lực lượng cách mạng tiến về thị xã, nhân dân tại các khu phố, ngả đường tập trung kéo về trung tâm, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng. Tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng và giao nộp chính quyền cho cách mạng. Cuộc mít tinh lớn được tổ chức ngay sau đó, lực lượng cách mạng tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến và phổ biến 10 chính sách của Việt Minh. Sau mít tinh, quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ diễu hành qua các phố để biểu dương lực lượng. Hoà cùng dòng người, tôi mừng vui đến rơi nước mắt, từ thân phận nô lệ hèn kém, dân ta đã vùng dậy làm chủ cuộc đời mình.
Tân Đoàn – Căn cứ địa cách mạng của Lạng Sơn, nơi khơi nguồn
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8/1945
đang thay da đổi thịt hàng ngày
Mới giành chính quyền được đúng 1 ngày, ngay hôm sau (26/8/1945) quân đội Tưởng Giới Thạch núp bóng đồng minh đã đưa 12 vạn quân vào thị xã cướp bóc và yêu sách chúng ta bàn giao lại các công sở cho chúng. Trước tình thế đó, ta phải rút bộ đội ra ngoài, vận động nhân dân làm “vườn không nhà trống” tiến hành bao vây kinh tế địch. Chúng tôi được lệnh rút về Ba Xã để huấn luyện củng cố lực lượng và chờ lệnh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lớp thanh niên chúng tôi lại cùng dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với một sự tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng.
(Ghi theo lời kể của cụ Hoàng Vĩnh Khoan, tức Hoàng Thắng Lợi, 95 tuổi- cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn)
Minh Hồng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()