Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức toàn cầu
Thế giới từng trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn, làm thay đổi toàn bộ diện mạo của cuộc sống loài người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) diễn ra từ những năm 2000 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… CMCN 4.0 chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới ảo. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, được xây dựng dựa trên nền tảng cuộc cách mạng số. Sự phổ biến của các công nghệ như: vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… đang xóa nhòa mọi ranh giới và giúp con người, sản phẩm và máy móc tự kết nối – giao tiếp với nhau.
Ảnh minh họa (Nguồn: xahoithongtin.com.vn)
CMCN 4.0 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta về nhân cách như: bản sắc văn hóa, sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, bảo vệ và tăng cường sức khỏe, cách thức sử dụng thời gian cho công việc, giải trí… Sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Nhờ có robot con người ngày càng được giải phóng khỏi quá trình lao động bắt buộc nặng nhọc hay những công việc trong môi trường nguy hiểm như trong môi trường độc hại, dưới đáy biển, trên núi cao, trên miệng núi lửa, trong các lò phản ứng hạt nhân, thậm chí trong cơ thể người. Đây không phải câu chuyện tương lai mà là câu chuyện của hiện tại. Một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lên nhiều lĩnh vực, quan trọng là mỗi nước, mỗi cá nhân có nhận thức được điều đó hay không. Thế giới thực mà ta biết, từ con người, xe cộ, nhà cửa, tài sản…trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ chuyển đổi sang thế giới số. Sẽ có “bản sao của thế giới thực” trên nền thế giới số.
Tuy nhiên, những lợi ích của CMCN 4.0 không dành cho toàn bộ dân số toàn cầu. Tầng lớp lao động ở một số nước phát triển thấy việc làm của họ biến mất khi những công ty đưa việc làm ra nước ngoài và tận dụng triệt để nhằm đáp ứng với một thị trường cạnh tranh vô cảm trên toàn cầu. Một trong những hệ lụy của CMCN 4.0 khiến toàn thế giới lo lằng là vấn đề máy móc sẽ cạnh tranh công việc với con người. So với con người, trong lao động thuần túy máy móc hơn hẳn, con người thua cuộc và thất nghiệp. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong số 12 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á cũng như những ngành có tỷ lệ lao động đơn giản hoặc thủ công chiếm 80% đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ. Cũng theo báo cáo này, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia sẽ thất nghiệp sau 20 năm nữa.
Mặc thực tế đó, một số hãng dịch vụ như Amazon, Uber, Facebook… đang đóng vai “người tiên phong” trong việc sử dụng robot. Trong dự báo khoảng 1/3 công việc của người tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới sẽ được thay thế bằng máy móc hoặc phần mềm. Khi đó, khung pháp lý điều chỉnh về việc làm và an toàn lao động hiện tại trở nên lỗi thời. Những nền kinh tế mới nổi hay nước nghèo dựa chủ yếu vào nguồn nhân công rẻ tiền sẽ bị “tấn công” bởi dây chuyền sản xuất robot và hệ thống máy tính thông minh. Một công nhân ở hãng sản xuất ôtô Đức có mức lương 40 euro/giờ thì robot làm chỉ tốn 5 – 8 euro/giờ. Thậm chí mức chi phí cho robot còn rẻ hơn cả công nhân ở Trung Quốc. Ngoài ra, robot chẳng bị đau, sinh con, đình công hay nghỉ phép năm. Cuộc cách mạng có thể kéo khoảng cách giàu nghèo rộng hơn nữa. Mức độ tự động hóa cao khiến nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp, trong khi đó những ai có trình độ cao, óc sáng tạo sẽ có thu nhập khủng. Một số công việc có nguy cơ biến mất như kế toán, thư ký tòa án hay nhân viên văn phòng tại các tổ chức tài chính. Một số luật sư cũng có thể thất nghiệp. Lý do là một thuật toán thông minh có thể dự đoán chính xác tới 79% các sổ sách giấy tờ. Công ty kiểm soát Deloittee dự báo rằng khoảng 100.000 việc làm trong ngành tư pháp Anh sẽ được tự động hóa trong 2 thập niên nữa.
Không chỉ ảnh đưởng đến kinh tế, CMCN 4.0 còn ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị, xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Các giai đoạn quá độ chuyển sang một cuộc cách mạng công nghiệp mới trong lịch sử thường xảy ra cuộc chiến tranh để phân chia lại quyền lực và lợi ích. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ cùng quá trình toàn cầu hóa đã làm cho “chiến tranh trên quy mô lớn ít có khả năng xảy ra”. Mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các cường quốc dù có căng thẳng cũng khó có thể xảy ra chiến tranh. Các nước này sẽ tìm cách thỏa hiệp với nhau để bảo vệ lợi ích của mình, hoặc đẩy mâu thuẫn, xung đột sang “vùng đệm” để thể hiện “sức mạnh mềm”, “sức mạnh thông minh” nhằm kích động chạy đua vũ trang và buôn bán vũ khí. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chiến tranh mạng) đang ngày càng trở nên mong manh.
Các công nghệ mới như vũ khí hạt nhân, vũ khí tự động, vũ khí điều khiển từ xa và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng chế tạo và sử dụng hơn; từng cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém các quốc gia. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng sẽ tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới. Con người trong CMCN 4.0 không còn là sở hữu của riêng mình với những đặc điểm sinh lý, tâm lý đặc thù nữa. Những dấu ấn cá nhân sẽ nhạt nhòa trong sứ mệnh của một công dân toàn cầu, đó cũng là thách thức không dễ vượt qua của CMCN4.0. Cuộc CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục…
Không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Chúng ta cần nắm lấy cơ hội, những thành quả của giai đoạn quá độ của cuộc CMCN 4.0 và hướng nó phục vụ cho những mục tiêu và giá trị chung của nhân loại. Để làm được điều này, chúng ta phải có tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.
Cuộc CMCN 4.0 còn đang tiếp diễn, chưa có điểm cuối và chưa thể đoán định hết lợi hại của nó. Thừa nhận xu hướng, tranh thủ mặt tích cực của nó là chủ động hôi nhập dù phải đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì vậy, một quốc gia có độc lập, chủ quyền (trong đó có chủ quyền về thông tin), một quốc gia biết mình biết người, chủ động hội nhập và toàn cầu hóa, nhất định sẽ tận dụng những thuận lợi của CMCN 4.0 và hạn chế được những mặt tiêu cực của nó vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
Ý kiến ()