Cách mạng công nghiệp 4.0: Khó nhưng không phải không thể
Dù có rất nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng, thách thức trong chính sách quản lý, Việt Nam vẫn có những điểm mạnh nhất định để ứng dụng, làm chủ các công nghệ nổi bật của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và xây dựng một nền kinh tế chia sẻ.
Từ “làn sóng” Uber, Grab…
Tại buổi họp sơ kết thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ kết nối vận tải do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, hiện Thành phố đã cấp 22.000 xe 9 chỗ trở xuống kinh doanh dịch vụ hợp đồng điện tử.
Cụ thể, cuối năm 2015, TPHCM chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ, xe hợp đồng đi đường dài, nhưng tới ngày 28/2/2016 bắt đầu thí điểm dịch vụ Grab, số lượng xe tăng lên 2.437, tới ngày 31/8/2016 là 9.422 xe, tới tháng 6/2016 là hơn 15.000 xe và đến đầu tháng 4/2017 đã có hơn 22.000 xe.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, qua thời gian cho phép thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, Hà Nội hiện có trên 4.000 xe với tốc độ phát triển rất nhanh.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) thông tin, Uber hiện đã có mặt tại hơn 250 thành phố trên thế giới. Hiện nay, châu Á được đánh giá là thị trường nước ngoài chủ đạo của Uber, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á khi mà tại thị trường này Uber đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao.
“Tốc độ tăng trưởng tên lửa của start-up đình đám này có thể được thể hiện một cách đơn giản qua việc được định giá 68 tỷ USD sau 8 năm phát triển”, bà Lại Việt Anh cho biết.
… đến mô hình “nền kinh tế chia sẻ”
Theo bà Lại Việt Anh, Uber là doanh nghiệp điển hình ứng dụng thành công mô hình “kinh tế chia sẻ” và đây cũng là một trong những nhánh tiêu biểu của nền công nghiệp 4.0.
Lý giải về khái niệm “kinh tế chia sẻ”, bà Lại Việt Anh cho biết, CMCN lần thứ tư dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D trong chế tạo sàn phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Đặc trưng lớn nhất của kinh tế số là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và Internet, mà đỉnh cao là mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things – viết tắt là IoT).
Tính kết nối cao độ này giúp tối ưu hóa các nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất với nhu cầu của thị trường, giúp lược bỏ nhiều khâu trung gian trong dây chuyền cung ứng và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu cho các chủ thể của nền kinh tế.
“Tính kết nối này đang tạo ra một xu hướng mới thường được gọi với cái tên “kinh tế chia sẻ” – các mô hình chia sẻ nguồn lực trực tiếp giữa cá nhân với cá nhân được hiện thực hóa nhờ nền tảng công nghệ thông tin và Internet, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực toàn xã hội”, bà Lại Việt Anh nói.
TS. Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như với công nghệ của Uber, người ta có thể chia sẻ phương tiện giao thông thì còn nhiều ứng dụng khác như Laxus, Airbnb… người ta đã chia sẻ những tài sản khác gồm cả hàng hóa, dịch vụ, không gian, kỹ năng, và cả tiền bạc.
Một ví dụ khác có thể kể đến là dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2014. Mô hình này là dịch vụ đặt phòng, căn hộ, giúp kết nối giữa những người cho thuê/chia sẻ chỗ ở với những người có nhu cầu như du lịch, công tác, thăm thân. Nhiều người dân tại Hà Nội, TPHCM cùng với một số tỉnh thành khác đã gia nhập mạng lưới của Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê đạt trên 1.000 phòng. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb sẽ xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó.
Thách thức làm chủ công nghệ
Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh cho rằng, “kinh tế chia sẻ” hiện cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Ông Phạm Đình Thưởng đánh giá nếu như những thách thức trong hoạch định chính sách trước những tác động của một cuộc CMCN đối với các nước phát triển là 1 thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là 10.
Cụ thể hơn, vị đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, đối với cuộc CMCN 4.0, thách thức đó là chính sách nào để tạo được những doanh nghiệp nội địa có thể ứng dụng những công nghệ nổi bật của cuộc cách mạng này và làm sao để phát triển một nền kinh tế chia sẻ.
Ông Thưởng cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam chính là làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), lịch sử đã chỉ ra rằng, làm chủ công nghệ không bao giờ là một việc dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể.
Đối với Việt Nam, làm chủ công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 dường như lại dễ dàng hơn so với trước đây. Bởi, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là nền tảng cho cuộc cách mạng lần này, đó là tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương); tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…
Và ngày hôm quan (19/4), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã khai trương mạng thông tin di động 4G, với 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số. Đây cũng là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()