Cách ly xã hội: Chìa khóa thành công khống chế dịch Covid-19 bùng phát
Các cửa hàng kinh doanh tuyến phố Hàng Ngang – Hàng Đào đóng của phòng dịch.
Giãn cách xã hội phát huy hiệu quả, nhưng nguy cơ vẫn còn cao
TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã đạt được mục tiêu khống chế số người nhiễm bệnh thấp nhất có thể và chưa để ai tử vong. Sau thành công lớn ở giai đoạn đầu nhưng tới nay mối lo ngại nhất cũng đã xảy ra, dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng với sự mất dấu của F0.
Việc không biết ai là F0 có nghĩa người đó vẫn có thể đang âm thầm lây bệnh cho người khác mà không ai biết. Bất cứ ai chung quanh cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh. Do đó, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác – biện pháp giãn cách xã hội.
Giãn cách xã hội được đánh giá là chìa khóa thành công mà không cần “dược phẩm” trong giai đoạn dịch bệnh đã có sự lây lan trong cộng đồng. Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân cho tốt thì mỗi chúng ta triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc.
Đến hôm nay, Việt Nam đã trải qua hai tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá về hai tuần giãn cách xã hội vừa qua, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, nhận định, Việt Nam đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Điều đó được thể hiện bằng những kết quả thiết thực, trong thời gian giãn cách, dịch bệnh ở nước ta đã không bùng phát.
“Chúng ta đừng nghĩ giãn cách xã hội vừa qua là vô hình. Khi chúng ta làm đúng, làm sớm và làm tốt thì dịch sẽ không bùng lên. Thực tế đã chứng minh, nước ta thực hiện phòng dịch hiệu quả, thành công. Dịch không bùng phát, khẳng định giãn cách xã hội là một yếu tố quan trọng mang tới thành công này”, PGS, TS Trần Đắc Phu nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội (từ ngày 1-4 đến 14-4), Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới, chỉ bằng 40% so với hai tuần trước đó. Trong đó, có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng, chiếm gần 50% tổng số mắc. Trong ba ngày đầu tiên (từ 1-4 đến 3-4), chúng ta ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhận số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày.
Thời gian này, Việt Nam ghi nhận ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội với 12 trường hợp mắc (hai trường hợp được phát hiện trong khu vực khoanh vùng, cách ly tại thôn Hạ Lôi). Dự báo, trong những ngày tới, chúng ta có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn cao nếu không tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Số ca mắc mới theo ngày có xu hướng giảm dần trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó, có sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 16 và đưa ra các quyết sách mới vào chiều 15-4, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong chỉ đạo, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội, nhưng từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Từ hôm nay, 16-4, Việt Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng điều chỉnh ở mức độ phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Theo đó, các địa phương được chia thành ba nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Có bốn hoạt động lớn khác biệt giữa ba nhóm đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu; việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ; việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng; việc tập trung đông người.
Theo Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga, việc Việt Nam kéo dài giãn cách xã hội cả nước sẽ tiếp tục duy trì được sự khống chế dịch cũng như phương pháp dập dịch của chúng ta. Tiếp tục giãn cách xã hội sẽ bao vây và triệt tiêu được ổ dịch, ngăn chặn dịch không bùng phát ra cộng đồng.
Tăng cường xét nghiệm cho nhóm người trong vùng có dịch hoặc có biểu hiện bệnh.
Còn PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, ngoài việc khống chế các ổ dịch đã phát hiện, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tiếp tục theo dõi những trường hợp không thuộc những ổ dịch này. Việc cảnh giác, tiếp tục theo dõi các ca ngoài cộng đồng và những người có dấu hiệu bệnh là rất quan trọng. Bởi một số trường hợp có thể nhiễm virus sau đó lưu hành, đi lại nhiều và lây người khác mà chúng ta không thể biết trước. Nếu vẫn còn người lành mang virus thì bệnh sẽ còn dai dẳng, tiếp theo sẽ bùng phát các đợt dịch khác khi cộng đồng chưa có miễn dịch. Do đó, nếu không thực hiện tiếp giãn cách xã hội, khi có sự tiếp xúc, đi lại nhiều thì các ca bệnh tự do sẽ lây nhiễm.
Khi chưa có vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh lâu dài, các chuyên gia đều thống nhất nguyên tắc, người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này, thực hiện các quy định được khuyến cáo như đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ tập… Đặc biệt, khi ốm đau, phải tư vấn khám bệnh để được xét nghiệp kịp thời. Việt Nam cũng cần phải tăng cường xét nghiệm nhóm bệnh nhân có sốt, đặc biệt những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi. Nếu coi thường xét nghiệm, khi để dịch bùng lớn, chúng ta sẽ không thể tìm được các dấu vết để thực hiện việc ngăn chặn như bây giờ.
Tại Việt Nam, tính đến 6 giờ sáng nay, ghi nhận 268 trường hợp mắc tại 28 tỉnh, thành phố. Việt Nam đứng thứ 112 trong số 212 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19). Đã có 171 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 97 bệnh nhân đang được điều trị tại 14 cơ sở y tế, trong đó 23 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính một lần, 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ hai lần trở lên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, một số hoạt động chính như sau: Tiếp tục theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; triển khai thực hiện và theo dõi việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) quán bar Budda (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ. Bộ cũng tăng cường các hoạt động điều tra, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm cán bộ y tế, bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, nhà máy Samsung (tỉnh Bắc Ninh) tập trung xử lý ổ dịch phòng, chống lây nhiễm. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()