Cách làm trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai
Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai được cơ giới hóa. Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư của BCH T.Ư (khóa X) và Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, từ nay đến năm 2020, Gia Lai chọn 186 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới.Nhận rõ vị trí cũng như những khó khăn và lợi thế của mình để tìm một hướng đi phù hợp nhằm thực hiện có kết quả chương trình mục tiêu đang là những vấn đề đặt ra cho cấp ủy và chính quyền tỉnh Gia Lai.Nội lực xây dựng nông thôn mớiGia Lai là tỉnh có đến 70% dân số sống ở nông thôn, trong số này nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,5% dân số toàn tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ chỗ du canh, du cư, "phát đốt, chọc, trỉa" đến nay người dân đã biết trồng lúa nước từ hai đến ba vụ/năm. Ngành nông nghiệp trong những năm gần đây tiếp tục có sự tăng trưởng khá, đóng góp cho sự...
|
Nhận rõ vị trí cũng như những khó khăn và lợi thế của mình để tìm một hướng đi phù hợp nhằm thực hiện có kết quả chương trình mục tiêu đang là những vấn đề đặt ra cho cấp ủy và chính quyền tỉnh Gia Lai.
Nội lực xây dựng nông thôn mới
Gia Lai là tỉnh có đến 70% dân số sống ở nông thôn, trong số này nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,5% dân số toàn tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ chỗ du canh, du cư, “phát đốt, chọc, trỉa” đến nay người dân đã biết trồng lúa nước từ hai đến ba vụ/năm. Ngành nông nghiệp trong những năm gần đây tiếp tục có sự tăng trưởng khá, đóng góp cho sự ổn định nền kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 8,9%/năm; trên địa bàn tỉnh hiện có 299 công trình thủy lợi và hàng trăm công trình đập dâng, hồ chứa được xây dựng và kiên cố hóa góp phần tăng thêm diện tích cây trồng lên hơn 40 nghìn ha, trong đó ruộng lúa hai vụ chiếm gần 10 nghìn ha; cơ giới hóa trong nông nghiệp được chú trọng đầu tư góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu suất cây trồng. Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH-KT vào các khâu sản xuất, nên năng suất các loại cây trồng tăng đáng kể. Trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh tập trung lúa nước, cây bông vải, mía, mì, bắp lai ở các địa phương như thị xã An Khê, Ayun Pa, Phú Thiện; cây công nghiệp dài ngày như cà-phê, tiêu, cao-su ở Chư Sê, Ia Grai…; chăn nuôi phát triển với các dự án lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn, nuôi cá nước ngọt…
Rõ ràng, ý nghĩa về kinh tế thì đã rõ nhưng quan trọng hơn, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Đảng và Nhà nước đem lại ý nghĩa về mặt xã hội. Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với mức tăng trưởng GDP bình quân hơn 11% năm, thì cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm nâng cao mức sống cho người dân, đồng thời nhanh chóng thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Ngoài việc ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy còn xác định rõ đây là nhiệm vụ không riêng của ngành nào, cấp nào với phương châm chỉ đạo, tập trung ưu tiên đầu tư cho những nơi khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng biên giới, những nơi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Hiệu quả mang lại trong cuộc vận động lớn ở Gia Lai trong những năm qua còn ở chỗ, tỉnh đã thường xuyên kết hợp và lồng ghép các chương trình XĐGN, xây dựng nông thôn với các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135, định canh định cư, các chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn cho người nghèo thông qua vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư; hỗ trợ mua nhà trả chậm theo QĐ 132, 134 của Chính phủ và các chính sách xã hội khác… Chỉ riêng Chương trình 135, từ năm 2002 đến nay, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng, phát triển các lĩnh vực VH-XH cho 309 làng, thuộc 68 xã đặc biệt khó khăn đã lên đến hơn 400 tỷ đồng.
Kinh tế phát triển đã kéo theo những chuyển biến tích cực về mặt xã hội, đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế và phòng khám khu vực, trong số đó 40% số trạm y tế có bác sĩ… Những thành tựu trên, có thể xem là nguồn nội lực dồi dào để Gia Lai bước vào thực hiện có kết quả chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bằng những cách làm cụ thể
Trong tổng số hộ nghèo theo tiêu chí mới (giai đoạn 2011-2015) cho đến thời điểm hiện nay của tỉnh Gia Lai thì trong đồng bào DTTS còn chiếm khá cao với 62.867 hộ/79.417 hộ (79,16%), trong số này có bốn địa phương hiện có số hộ nghèo chiếm trên 50% là Kông Chro, Krông Pa, Kbang và Ia Pa. Xét về mặt trình độ dân trí, địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội thì thực trạng này đặt cho cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, bất lợi về nhiều mặt: Trình độ dân trí thấp, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán chưa có thương hiệu; việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác cây trồng, vật nuôi hạn chế, khó có điều kiện tiếp cận thị trường; mối liên kết “bốn nhà” chưa thật sự bền vững; đó là chưa nói đến vấn đề hạ tầng sản xuất và xã hội ở những vùng này còn đang rất bất cập. Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó huy động cộng đồng dân cư đóng góp 10%. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa quy định trên vào thực tiễn nhiều địa phương đã gặp khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Păh, Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, điều kiện KT-XH các xã khác nhau, nguồn thu nhập của nông dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cũng chênh lệch lớn, nên việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp với vốn Nhà nước để cùng xây dựng nông thôn mới là rất khó. Điển hình như, để hoàn thành tiêu chí nhựa hóa, bê-tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, việc chính quyền địa phương vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường không khó; song vận động nhân dân đóng góp tiền để làm đường lại rất khó thực hiện… Cũng cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pứ thì cho biết: Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới do UBND xã chủ trì triển khai. UBND xã là cấp giữ vai trò chủ công thực hiện xây dựng đề án và tổ chức thực hiện nội dung phát triển hạ tầng KT-XH; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và một số đề án liên quan lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cùng cần phải xem xét thấu đáo một thói quen còn trong đời sống của đồng bào DTTS hiện nay là: Khi mùa màng bội thu, có tiền (thậm chí là những khoản tiền đền bù do di dời ở các công trình xây dựng của Nhà nước) thì tiêu xài vô tội vạ, không biết tính toán, dành dụm mà lại dùng vào việc mua sắm như: Xe máy, ti-vi, đầu đĩa
vi-đi-ô, điện thoại di động… Những chính sách cho vay hộ nghèo cũng cần có cách làm phù hợp, hiệu quả hơn. Qua tìm hiểu, hiện ở một số vùng đồng bào DTTS ở Gia Lai vẫn xảy ra tình trạng bà con vay tiền từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà chẳng biết phải dùng vào việc gì, cất kỹ vào ống tre để đến hạn lại đem trả lại cho ngân hàng! Thiết nghĩ, với nhận thức nhiều hạn chế của đồng bào thiểu số, tiền cho vay muốn đạt hiệu quả, nếu được hướng dẫn, những khoản tiền lớn ấy sẽ vô cùng có ích cho bà con trong việc đầu tư tái sản xuất và hiệu quả nhất định sẽ cao, cơ hội thoát nghèo là điều có thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, UBND tỉnh xác định trong giai đoạn đầu phải tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân, nâng cao nhận thức. Cung cấp thông tin cho nông dân là một việc hết sức quan trọng. Trước hết, tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu công việc chính quyền đang làm, trách nhiệm tham gia chương trình và lợi ích của nông dân khi chương trình mang lại kết quả. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ vai trò chủ thể của người nông dân. Mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Để hoàn chỉnh bộ mặt nông thôn sau xây dựng phù hợp và hiện đại, thì người dân phải được bàn bạc và tham gia ngay từ đầu, là khâu hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài. Trên cơ sở đó, trước khi triển khai, chúng tôi dành nhiều thời gian cho việc xuống cơ sở, gắn việc điều tra, lập quy hoạch với việc tìm hiểu thực trạng đời sống người dân cụ thể ở từng địa phương, lắng nghe ý kiến người dân để trên cơ sở đó quyết định cái gì cần đầu tư làm trước, cái gì cần làm sau phù hợp nguyện vọng cũng như nguồn lực của địa phương và Trung ương hỗ trợ. Quan điểm của tỉnh là làm sao để người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình; đồng thời tạo mọi điều kiện để người nông dân có thể tham gia trực tiếp xây dựng một số công trình, phần việc mà họ có thể đảm đương được. Khi đó, vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu giảm nghèo nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sẽ không đạt, không bền vững, nếu không tìm một cách làm đúng, phù hợp mặt bằng dân trí, phù hợp thực tế, tôn trọng và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của từng vùng, từng dân tộc… trong đời sống xã hội nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()