Cách làm sáng tạo
LSO-Hiện bắt đầu vào thời điểm thu hoạch ớt của bà con nông dân huyện Chi Lăng. Theo đánh giá của phòng chuyên môn, dự ước sản lượng ớt của huyện năm 2017 đạt trên 3.000 tấn. Với nguồn cung như vậy, lãnh đạo huyện, ngành chuyên môn đã có cách làm sáng tạo trong việc tìm đầu ra cho vụ ớt năm nay.
Nông dân xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt |
Thu nhập cao từ ớt
Ông Vi Văn Tuấn, chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng cho biết: Giá ớt thu mua thời gian qua trên thị trường khá ổn định. Như năm 2016, giá trung bình từ 20 – 22 nghìn đồng/kg ớt tươi. Có thời điểm cao nhất được 60 nghìn đồng/kg. Cây ớt tuy khó trồng, nhưng nếu nắm bắt tốt kỹ thuật trồng, chăm sóc thì cây ớt phát triển nhanh, hiệu quả và sản lượng đem lại cao…. Mấy năm trở lại đây, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, cùng với một số loại cây trồng thế mạnh khác, cây ớt được huyện tập trung đưa vào trồng tại một số xã như: Quang Lang, Mai Sao, Nhân Lý, Bắc Thủy, Vân Thủy, Quan Sơn… nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Như ở xã Quang Lang, thời gian qua, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, tại một số vùng trên địa bàn xã, bà con nông dân tập trung mở rộng diện tích ớt. Ông Vi Văn Sẹc, Chủ tịch UBND xã Quang Lang cho biết: Toàn xã có khoảng 50 ha ớt. Thời gian qua, thu nhập từ ớt khá cao nên càng thúc đẩy bà con nông dân trong xã chuyển đổi từ hai vụ lúa chuyển sang 1 vụ lúa, 1 vụ ớt.
Thực tế, trong mấy năm qua, việc đưa cây ớt vào trồng tập trung đã và đang là hướng đi hiệu quả của huyện Chi Lăng. Vì vậy diện tích ớt tăng theo từng năm. Cụ thể như thời điểm năm 2012, toàn huyện mới chỉ có hơn 100 ha ớt; đến năm 2016 là 244 ha và năm 2017 là trên 310 ha. Theo tính toán thì trung bình mỗi ha ớt cho thu nhập trên 120 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng các loại cây rau màu truyền thống.
Tập trung tìm đầu ra ổn định
Hiện đã vào vụ thu hoạch ớt và theo thống kê của phòng chuyên môn, sản lượng thu hoạch đã vào khoảng trên 500 tấn. Bài học từ năm 2013, khi người nông dân phá vỡ cam kết với các doanh nghiệp (bán cho các cơ sở thu mua nơi khác để hưởng phần chênh lệch cao hơn) đã khiến mùa vụ sau đầu ra sản phẩm bấp bênh. Vì các doanh nghiệp không còn dám ký cam kết với bà con. Chính vì vậy, một điều quan ngại của huyện là khi vào chính vụ thu hoạch, sản lượng thu hoạch tăng cao, thời điểm đó nguy cơ các tư thương sẽ ép giá bà con là điều rất dễ xảy ra.
Nhằm hạn chế tình trạng ép giá, đồng thời tạo đầu ra ổn định, ngày 29/3/2017, lãnh đạo huyện đã tổ chức buổi gặp trực tiếp với các tổ chức, cá nhân thu mua ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng. Từ buổi gặp gỡ này, lãnh đạo huyện đã nắm bắt tâm tư của các tư thương cũng như dự kiến định lượng mà các tư thương sẽ thu mua trong vụ ớt này. Qua đó, lãnh đạo huyện cùng với các tư thương trên địa bàn thống nhất phương thức thu mua, nhằm tạo sự ổn định về giá cả. Chủ cơ sở thu mua nông sản Thu Mai (tại khu Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ) cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều điểm thu mua nông sản với số lượng lớn như: cơ sở của ông Định ở Bắc Thủy, bà Suối ở xã Mai Sao… Những cơ sở này đều đã có thâm niên trong thu mua nông sản, trong đó có ớt. Năm nay, qua gặp gỡ với lãnh đạo huyện, các cơ sở chúng tôi đã cam kết mua đúng giá thị trường, không gây sức ép với bà con nông dân.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, huyện đã thành lập tổ hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện Chi Lăng (có lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn). Tổ hỗ trợ xúc tiến thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và thời điểm này là ớt. Thời gian qua, lãnh đạo huyện cũng như tổ hỗ trợ không chỉ gặp gỡ các thương nhân thu mua nông sản trên địa bàn mà còn phối hợp với Sở Công thương, Sở Ngoại vụ nhằm tìm những doanh nghiệp thu mua ớt với số lượng lớn, đồng thời tìm hướng xuất khẩu cho sản phẩm ớt Chi Lăng. Việc làm này không ngoài mục đích tạo đầu ra cho ớt một cách phong phú, qua đó không để tình trạng ép giá khiến bà con nông dân trồng ớt thua thiệt.
Giá thu mua ở thời điểm hiện tại vẫn đạt trung bình 22 – 25 nghìn đồng/kg ớt. Điều này cho thấy giá cả vẫn ổn định so với năm trước. Như vậy, hướng đi của lãnh đạo huyện Chi Lăng đang mang lại hiệu quả. Đồng thời đây cũng là cách làm sáng tạo nhằm tạo nên giá trị cao nhất cho sản phẩm nông nghiệp.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()