Cách làm ở Chi Lăng
LSO-Năm 2016, thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” huyện Chi Lăng đã xây dựng được 6 cây cầu dân sinh tại các xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc đi lại và phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Cán bộ phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện và xã Mai Sao kiểm tra chất lượng mặt cầu |
Từ tháng 11/2016 đến nay, người dân thôn Nà Lừu, xã Vân Thủy phấn khởi bởi việc đi lại không còn vất vả như trước. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn đã đóng góp tiền, ngày công để xây dựng cây cầu dân sinh dẫn vào thôn. Ông Hoàng Văn Minh, trưởng thôn Nà Lừu cho biết: Trước đây, đường vào thôn bằng cầu tạm, việc đi lại, vận chuyển nông sản khi thu hoạch rất khó khăn. Đến nay, cầu đã hoàn thành, ô tô có thể đi qua cầu vào được thôn, từ đó sinh hoạt sản xuất rất thuận lợi.
Cũng giống như thôn Nà Lừu, hơn 100 hộ dân thôn Sao Thượng A và Sao Thượng B, xã Mai Sao đã đóng góp mỗi hộ 500 nghìn đồng và hơn 1.000 ngày công để xây cây cầu nối liền hai thôn. Chị Vi Thị Huấn, thôn Sao Thượng B chia sẻ: Nhiều năm nay người dân hai thôn phải đi lại qua cây cầu gỗ tạm tự làm, vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm, đã có nhiều người ngã và bị thương nặng khi đi qua cầu. Vừa qua, khi huyện đầu tư xây cầu, chúng tôi mừng lắm, bởi đây cũng là niềm mong mỏi của mỗi người dân lâu nay. Gia đình tôi ngoài việc góp 500 nghìn đồng cùng với thôn, còn hiến toàn bộ phần đất ruộng để mở đường dẫn lên cầu.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, với chủ trương xây dựng cầu dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân, huyện Chi Lăng đã khởi công 6 cây cầu tại 5 xã còn nhiều khó khăn gồm: cầu Pá Tào, xã Bằng Hữu; Nà Lừu xã Vân Thủy; Tì Hờn, Pắc Pẻn xã Chiến Thắng; Sao Thượng A, xã Mai Sao và cầu Nà Ké xã Quan Sơn. Điều đáng nói ở đây là các cây cầu đều được xây dựng theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Mặc dù mới triển khai trong năm 2016, nhưng đến nay đã có 3 cây cầu hoàn thiện và 3 cây cầu đã thi công hoàn thành phần thân, chỉ đợi mở xong đường dẫn hai bên là có thể đưa vào sử dụng. Ông Linh Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện chia sẻ: Khi bắt đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa làm cầu, tại một số xã người dân vẫn còn hoài nghi, chưa nhiệt tình hưởng ứng. Nhưng sau khi huyện cùng chính quyền xã tổ chức họp dân để nêu ra phương án xây cầu, nói rõ phần vốn do nhà nước đầu tư, phần đối ứng từ nhân dân và lợi ích trong việc xây cầu dầm thép thì người dân đã đồng tình hộ.
Theo đó, đối với mỗi cây cầu, huyện Chi Lăng sẽ đầu tư dầm thép, xi măng và kinh phí 100 triệu đồng để xây dựng toàn bộ phần thân cầu, mố cầu. Còn lại người dân sẽ tham gia công và kinh phí xây dựng đường dẫn hai bên cầu. Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, chi phí trung bình mỗi cây cầu khoảng 400 đến 450 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của nhà nước chiếm khoảng 60% còn lại là do nhân dân đóng góp.
Trên địa bàn huyện Chi Lăng vốn nhiều nhánh sông, suối chảy xiết nên vẫn còn nhiều cây cầu tạm cần được thay thế bằng cầu kiên cố. Do vậy, chủ trương xây cầu dầm thép với sự tham gia đóng góp của nhân dân là hợp lý và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi mà nguồn ngân sách đầu tư công của nhà nước đang eo hẹp. Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những cây cầu được đưa vào sử dụng đã tạo niềm tin cho nhân dân. Hiện nay, người dân trong huyện đang nhiệt tình hưởng ứng và sẵn sàng tham gia đóng góp để làm cầu dân sinh nói riêng và làm đường giao thông nông thôn nói chung.
ANH DŨNG
Ý kiến ()