Cách làm của ngành giáo dục và đào tạo
Cán bộ, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc kiểm tra các sáng kiến kinh nghiệm |
Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 1.908 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp cơ sở, 22 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh thì riêng ngành GD&ĐT có 341 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở và 4 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Năm học 2015 – 2016, toàn ngành có 685 sáng kiến cấp cơ sở, trong đó, 25 sáng kiến được xếp loại tốt, 325 sáng kiến xếp loại khá và 9 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Năm 2016 – 2017, toàn ngành có 678 sáng kiến, trong đó có 14 sáng kiến xếp loại tốt, 317 sáng kiến xếp loại khá, có 14 sáng kiến đề nghị được công nhận cấp tỉnh.
Các sáng kiến chủ yếu tập trung vào nội dung: đổi mới phương pháp dạy học các bộ môn và giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, thực hiện đổi mới nội dung, chương trình dạy học. Cơ bản các sáng kiến trình bày đúng cấu trúc; bám sát thực tiễn công tác. Nhiều sáng kiến xây dựng được nội dung, phương pháp mới; chú ý tính mới, sáng tạo và tính hiệu quả, ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn như sáng kiến: “Một số giải pháp hạn chế học sinh bỏ học tại các trường THPT vùng khó khăn của tác giả Hoàng Thế Mạnh, Trường THPT huyện Bắc Sơn; “Kỹ năng giải nhanh một số câu hỏi trắc nghiệm Toán 9 trong cuộc thi giải toán qua Internet” của tác giả Đỗ Quang Dụng, Trường THCS Tô Hiệu, huyện Bình Gia… Hay sáng kiến “Tăng cường công tác quản lý hoạt động đánh giá, xếp loại giáo viên THCS huyện Cao Lộc giai đoạn 2016 – 2020” của tác giả Nguyễn Thị Loan, Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc được công nhận sáng kiến cấp cơ sở. Sáng kiến này đưa ra 6 giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý đánh giá, xếp loại giáo viên THCS của Phòng GD&ĐT huyện và của hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn. Từ khi được công nhận (tháng 2/2017) đến nay, sáng kiến đã được áp dụng tại 4 trường THCS ở huyện.
Với số lượng và chất lượng như trên, GD&ĐT là ngành có số sáng kiến được công nhận nhiều nhất so với các ngành khác và có nhiều sáng kiến có tính mới, tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: Trên cơ sở yêu cầu, hướng dẫn của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ thì Sở GD&ĐT cụ thể hóa và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, trường học những quy định đối với công tác sáng kiến như: cấu trúc, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình thực hiện, thẩm định, đánh giá sáng kiến. Hằng năm, sở tổ chức tập huấn phổ biến quy định và những kỹ năng viết sáng kiến. Riêng năm học 2016 – 2017, sở, các phòng GD&ĐT đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán và tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Để phong trào viết sáng kiến được triển khai sâu rộng, hiệu quả, ngay từ đầu mỗi năm học, sở quan tâm chỉ đạo gắn việc viết sáng kiến với những phong trào, cuộc vận động của ngành. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trường học cũng quan tâm chỉ đạo, vận động và khuyến khích các cá nhân tích cực lao động, sáng tạo, tạo ra nhiều sáng kiến mới trong quản lý, giảng dạy để từ đó có ý tưởng viết thành sáng kiến kinh nghiệm. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc cho biết: “Phòng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các trường học gắn việc viết sáng kiến với các phong trào thi đua, cuộc vận động; động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia viết sáng kiến gắn với thực tiễn của nhà trường, đơn vị, vị trí công tác. Năm học 2016 – 2017, toàn huyện có 165 sáng kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc 68/68 trường học”.
Ý kiến ()