Cách Hàn Quốc xử lý thức ăn thừa
Theo tờ The New York Times, trên khắp thế giới, hầu hết trong số 1,4 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm đều được đưa đến các bãi chôn lấp. Khi thối rữa, thức ăn thừa gây ô nhiễm nguồn nước và đất, đồng thời giải phóng một lượng lớn khí metan, một trong những khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra ở Hàn Quốc, nơi đã cấm vứt bỏ rác thải thực phẩm ra bãi rác gần 20 năm trước.
Tại xứ sở kim chi, phần lớn lượng thức ăn dư thừa sẽ được xử lý thành thức ăn gia súc, phân bón và nhiên liệu sưởi ấm nhà cửa. Hệ thống xử lý thức ăn thừa ở Hàn Quốc, vốn giúp khoảng 90% thực phẩm thừa không bị đưa tới các bãi chôn lấp và lò đốt rác, đã được chính phủ các nước trên khắp thế giới nghiên cứu. Nhà khoa học cao cấp Paul West của nhóm nghiên cứu các cách để giảm lượng khí thải Project Drawdown nhận định: “Hệ thống của Hàn Quốc giúp giảm lượng khí thải ở quy mô lớn”.
Truyền thống ẩm thực Hàn Quốc dễ dẫn đến dư thừa thức ăn. Hầu hết các bữa ăn đều có món phụ, đôi khi hơn chục món. Trong nhiều năm, lượng thức ăn thừa đã được chôn vào lòng đất. Tuy nhiên, người dân thường xuyên phàn nàn về mùi hôi bốc lên từ khu vực này. Kể từ năm 2005, việc đưa rác thải thực phẩm đến các bãi chôn lấp được coi là hành vi bất hợp pháp. Chính quyền địa phương đã xây dựng hàng trăm cơ sở để xử lý rác thải thực phẩm. Người tiêu dùng, chủ nhà hàng, tài xế xe tải cùng nhiều người khác đều tham gia mạng lưới thu thập rác thải thực phẩm và biến chúng thành thứ hữu ích.
Rác thải thực phẩm được xử lý tại một cơ sở ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: The New York Times |
Ông Lee Hae Yeon, chủ quán ăn nổi tiếng Jongno Stew Village ở quận Dobong (Seoul) cho biết, thức ăn thừa trong ngày của quán được cho vào một chiếc xô trong bếp. Sau khi đóng cửa, ông Lee Hae Yeon sẽ đổ chúng vào một thùng rác dành riêng cho thức ăn thừa ở bên ngoài. Trên nắp thùng rác, ông dán giấy ghi đã trả tiền cho việc xử lý. Cứ 20 lít thức ăn thừa, ông phải trả khoảng 2.800 won. Vào buổi sáng hôm sau, các công ty được thuê xử lý sẽ dọn sạch thùng thức ăn thừa và đưa chúng đến các cơ sở xử lý rác thải thực phẩm. Tại đây, rác thải thực phẩm sẽ được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt và an toàn.
Việc thanh toán hóa đơn xử lý thức ăn thừa đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân Hàn Quốc về lãng phí thực phẩm. Bà Eom Jung Suk, 60 tuổi, cho biết, mặc dù gia đình bà chưa bao giờ bị tính hơn 1USD/tháng cho dịch vụ xử lý thức ăn thừa nhưng việc chi trả hóa đơn hằng tháng khiến bà ý thức hơn về việc mình đã vứt đi bao nhiêu thức ăn. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, mặc dù các cá nhân và doanh nghiệp phải trả một khoản phí để loại bỏ rác thải thực phẩm nhưng chương trình này vẫn tiêu tốn của Hàn Quốc khoảng 600 triệu USD mỗi năm.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cach-han-quoc-xu-ly-thuc-an-thua-732591
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()