Các yếu tố để phát triển thành công thị trường sản phẩm làng nghề truyền thống
Đó là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế về Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) diễn ra sáng 28/10, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đưa ra cái nhìn khái quát về sự thành công của OVOP và tiếp tục khẳng định hiệu quả của phong trào này.
Đó là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế về Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) diễn ra sáng 28/10, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đưa ra cái nhìn khái quát về sự thành công của OVOP và tiếp tục khẳng định hiệu quả của phong trào này.
H ội thảo thu hút đông đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: HNV) |
Hội thảo do Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRI), Hiệp hội chính sách “Mỗi làng một sản phẩm” quốc tế Oita (Nhật Bản) và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ Quốc tế hàng Thủ công mỹ nghệ và khu trưng bày quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP).
Ông Đỗ Như Đính (Ảnh: HNV) |
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Như Đính, Chủ tịch VIETCRAFT cho biết, OVOP được khởi xướng ở Nhật Bản từ năm 1979 và cho đến nay đã trở thành một phong trào mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng sâu rộng đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia…. Việc phát triển OVOP ở mỗi quốc gia có những đặc thù riêng, song về cơ bản đây là sự lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc trưng nhất của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia để gia nhập thị trường trong nước và quốc tế. Để phát triển thành công thị trường OVOP đòi hỏi mỗi chúng ta cần khai thác tối đa các lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt tạo ra các giá trị gia tăng ngày càng nhiều hơn cho sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc phát triển thị trường OVOP vì thế cũng đòi hỏi phát triển toàn diện các yếu tố trong chuỗi giá trị sản phẩm, từ công tác phát triển nguyên liệu chế biến đến việc thúc đẩy các hoạt động quảng bá và phát triển thị trường.
Cũng tại Hội thảo, bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của các làng nghề thủ công, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ việc phát triển làng nghề, nhất là từ OVOP, Sở Công Thương đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại “Mỗi làng một sản phẩm” để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là chương trình OVOP Hà Nội) với 3 nhóm sản phẩm: hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản chế biến và du lịch làng nghề….
Bà Đào Thu Vịnh (Ảnh: HNV) |
Theo bà Vịnh, Hà Nội hiện nay được biết đến là “Đất trăm nghề” với tên tuổi của nhiều làng nghề nổi tiếng đi vào tiềm thức và là niềm tự hào của người Việt Nam. Với 1.350 làng có nghề, chiếm 67% số làng nghề cả nước, Hà Nội cũng tự hào là thành phố có nhiều làng nghề thủ công nhất thế giới với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trong đó có 244 làng nghề truyền thống được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các yếu tố thành công để phát triển thị trường nội địa và quốc tế cho sản phẩm OVOP; Chính sách, tiêu chí và quy trình lựa chọn sản phẩm OVOP ở Nhật Bản và Thái Lan; Chính sách xúc tiến thương mại cho sản phẩm OVOP ở Malaysia; Phát triển mô hình và thị trường cho sản phẩm OVOP của Việt Nam… Đây là những nội dung rất thực tiễn về phát triển thị trường sản phẩm OVOP được đúc rút từ thực tế thực hiện phong trào OVOP ở các quốc gia. Theo đó, các thông tin tại Hội thảo thực sự rất bổ ích giúp các tỉnh, thành phố ở nước ta lựa chọn và phát triển thị trường cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn tại địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()