Các yếu tố cơ bản vững chắc thúc đẩy giá vàng thế giới liên tiếp chinh phục các mức kỷ lục mới
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá vàng thế giới đã 10 lần vươn lên các mức kỷ lục mới. Tuần này, giá vàng tiếp tục tăng mạnh, thiết lập mức kỷ đỉnh mới 2.953 USD/ounce khi nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư đang thống trị thị trường trong bối cảnh những lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày một gia tăng, các ngân hàng Trung ương vẫn đang tiếp tục tăng cường mua vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ sang các tài sản khác ngoài đồng USD.
Giá vàng thế giới tăng hơn 12% kể từ đầu năm
Thị trường vàng đang trong chuỗi ngày tăng giá liên tiếp, kết thúc 8 tuần đầu năm 2025 không chỉ ở mức tích cực mà còn vươn lên mức cao nhất mọi thời đại 2.953 USD/ounce.
Kim loại quý này đang trong đợt tăng giá hằng tuần dài nhất kể từ giữa năm 2000 khi giá lần đầu tiên tăng lên 2.000 USD/ounce. Vàng giao ngay được giao dịch lần cuối ở mức 2.935,80 USD/ounce, gần như không đổi trong ngày và tăng hơn 2% so mức đóng cửa của thứ sáu tuần trước.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 12%, sau khi đã tăng 27% trong năm ngoái- đánh dấu năm tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Chiến lược gia cấp cao Peter Grant của Công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters: Căng thẳng thương mại tiếp tục làm dấy lên những mối lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn vì thế mà tăng mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào thứ tư tuần này (19/2) rằng, Mỹ sẽ công bố thuế quan áp lên ô-tô, chip, dược phẩm và gỗ trong 1 tháng tới hoặc sớm hơn.
Từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1 đến nay, ông Trump đã áp thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc, 25% lên hàng hóa Mexico và Canada (nhưng hoãn 1 tháng), 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ đánh thuế quan có đi có lại lên tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Ngoài nhu cầu an toàn từ giới đầu tư, giá vàng còn đang được hưởng lợi từ xu hướng tăng cường bổ sung vàng kho dự trữ của các ngân hàng Trung ương.
Chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures cho biết: “Chúng ta tiếp tục chứng kiến các ngân hàng Trung ương mua vàng trong năm nay. Đó là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ giá vàng. Chúng ta cũng đang chứng kiến các quỹ ETF gom vàng”.
Theo ghi nhận Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc một lần nữa đã tăng dự trữ vàng trong tháng 1 với mức bổ sung là 5 tấn.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng dự trữ vàng chính thức, sau khi tạm dừng 6 tháng. Trước đó, Trung Quốc đã ghi nhận 18 tháng mua ròng tài sản này.
Theo WGC, mức bổ sung trong tháng trước đã nâng dự trữ vàng của Trung Quốc lên 2.285 tấn.
Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng mua thêm 3 tấn vàng trong tháng 1/2025.
Quốc gia mua vàng nhiều nhất trong tháng đầu tiên của năm nay là Uzbekistan với 8 tấn vàng được bổ sung vào kho dự trữ nước này.
Theo báo cáo xu hướng thường niên và quý IV-2024 của WGC được công bố vào giữa tuần này, hoạt động mua vàng của các ngân hàng Trung ương đã thống trị thị trường vàng vào năm ngoái với tổng cộng 1.045 tấn vàng được mua vào.
WGC cho biết: “2024 là năm thứ 3 liên tiếp nhu cầu vượt quá 1.000 tấn - vượt xa mức trung bình hằng năm 473 tấn trong giai đoạn 2010-2021 và góp phần vào hiệu suất hằng năm của kim loại quý này”.
WGC kỳ vọng các ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng bởi các ngân hàng này đã mua ròng trong 15 năm qua và vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ ngưng lại, các nhà phân tích WGC cho biết.
Hướng tới mốc 3.000 USD/ounce
Mặc dù thị trường vàng có vẻ tăng hơi “quá đà”, kèm theo các rủi ro đang gia tăng, các nhà đầu tư vẫn không thể bỏ qua đà tăng giá này và tiếp tục để mắt đến mốc 3.000 USD/ounce.
Christopher Vecchio, Trưởng phòng Giao dịch tương lai và Ngoại hối tại Tastylive.com cho biết, ông không thể bỏ qua đà tăng giá này khi thị trường vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc.
Ông Vecchio cho biết: “Những yếu tố cơ bản vững chắc đã đưa giá vàng tới các mức kỷ lục gần đây và động lực tăng giá sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là nỗi lo về lạm phát, sự sụp đổ của thương mại toàn cầu, sự dịch chuyển khỏi các loại tiền tệ truyền thống trong dự trữ của các ngân hàng Trung ương,… Tất cả những yếu tố đó vẫn còn nguyên vẹn”.
Lukman Otunuga, Giám đốc Phân tích thị trường tại FXTM lưu ý rằng, vàng có nhiều dư địa để tăng cao hơn. Do tình hình bất ổn địa chính trị đang diễn ra, nhu cầu đầu tư vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Ông nói thêm rằng, ông kỳ vọng sự bất ổn địa chính trị mới ở châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng vào tuần tới.
Nhà chiến lược thị trường cấp cao tại Forex.com James Stanley nhận định, giá vàng sẽ không gặp bất kỳ sự kháng cự lớn nào cho đến khi giá đạt 3.000 USD/ounce.
Ông nói: “Tôi dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD nhưng sẽ duy trì ở mức đó một thời gian”.
Stanley cho biết, giá vàng tăng vượt ngưỡng 3.000 USD sẽ phụ thuộc vào chính sách tài khóa của chính phủ Hoa Kỳ và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ đạt 3.200 USD/ounce vào cuối năm nay, sau đó giảm dần và kết thúc năm ở mức hơn 3.000 USD/ounce.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá vàng lên 3.100 USD vào cuối năm 2025, tăng so mức 2.890 USD trước đó. Ngân hàng này cho rằng nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng Trung ương đang tăng cao, cùng với việc nhà đầu tư gia tăng tìm kiếm các tài sản an toàn khiến kim loại quý này hứa hẹn sẽ tiếp tục một năm tỏa sáng.

Ý kiến ()