Các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Ông Narendra Modi trở thành người thứ hai sau cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Trong bối cảnh như vậy, tờ The Economic Times của Ấn Độ mới đây đã có bài viết nhận định về các ưu tiên chính sách đối ngoại của New Delhi dưới thời Chính phủ Thủ tướng Modi trong 5 năm tới.
Theo bài viết, Ấn Độ sẽ tiếp tục coi trọng mối quan hệ với các nước láng giềng, xác định đây là ưu tiên số 1. Việc các nhà lãnh đạo Nam Á được mời tham dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Modi vừa qua đã thể hiện cam kết của Ấn Độ đối với chính sách “láng giềng trên hết”.
Ưu tiên thứ hai là tiếp tục thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) và các chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt.
Ưu tiên thứ ba là xây dựng chương trình nghị sự giai đoạn mới cho chính sách “Hành động hướng Đông”-vốn đánh dấu tròn 10 năm trong năm 2024. Theo đó, Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với ASEAN, các nước láng giềng trên bộ và trên biển cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đồng thời “theo dõi sát và hành động trước những diễn biến địa chính trị rộng lớn hơn”.
Ưu tiên thứ tư là làm sâu sắc mối quan hệ với Mỹ. The Economic Times cho rằng Ấn Độ muốn tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao từ Mỹ. Mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Washington sẽ đồng nghĩa New Delhi có thể hiện thực hóa mong muốn trên.
Theo The Economic Times, Ấn Độ cũng sẽ chú trọng tới mối quan hệ với Nga, trong đó Moscow là nhà cung cấp năng lượng mới cho New Delhi. Các dự án như Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế (INSTC) hay Hành lang hàng hải Chennai-Vladivostok có nhiều tiềm năng to lớn sẽ làm chuyển đổi mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Ưu tiên tiếp theo là tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. The Economic Times khẳng định FTA đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các công nghệ quan trọng.
Trong nhiệm kỳ 3, Chính phủ của Thủ tướng Modi được nhìn nhận là sẽ tiếp tục xem khu vực Trung Đông là một trụ cột trong chính sách đối ngoại, mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn địa chiến lược cho Ấn Độ. Hòa bình ở khu vực Trung Đông hiển nhiên có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại và kết nối của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo đảm an ninh và sự cân bằng chính trị ở khu vực này.
Một ưu tiên khác là Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Theo The Economic Times, vai trò của Ấn Độ đối với các vấn đề toàn cầu giữa lúc tình hình thế giới có những biến chuyển phức tạp, khó lường đã được tất cả các đối tác hoan nghênh. Việc làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn cầu sẽ giúp Ấn Độ xây dựng được nền kinh tế có quy mô 5.000 tỷ USD vào cuối thập niên này, tạo đà thực hiện mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 nhân kỷ niệm 100 năm độc lập. “Nếu Ấn Độ trở thành một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đây sẽ là một thành tựu to lớn”, The Economic Times nhấn mạnh.
Thêm vào đó, các cơ quan ngoại giao của Ấn Độ sẽ làm cầu nối cho hợp tác với khu vực tư nhân, vốn đang phát triển mạnh mẽ, nhằm góp phần bảo đảm các mục tiêu kinh tế và chiến lược của New Delhi. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ ngày càng có thêm nhiều mối quan hệ đối tác công-tư được thiết lập, tập trung vào các lĩnh vực như kết nối số, thám hiểm không gian và dưới đáy biển, khoa học và công nghệ...
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ không thể bỏ qua tầm quan trọng của các quốc gia nhỏ đối với việc triển khai chính sách “láng giềng trên hết” hay chính sách “Hành động hướng Đông” của mình. “Nếu đặt mục tiêu trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới, chính sách đối ngoại của Ấn Độ phải tính tới các quốc gia này”, The Economic Times nêu rõ.
Ý kiến ()