Các trường mầm non ở Văn Lãng: Nhiều cách làm tái chế rác thải nhựa và phế phẩm qua sử dụng
– Việc sử dụng rác thải nhựa, phế phẩm làm đồ dùng học tập không còn xa lạ đối với các trường mầm non. Nhưng từ năm học 2017 – 2018 trở lại đây, không chỉ rác thải nhựa mà các vật liệu, phế phẩm không còn sử dụng nữa được các trường mầm non tại huyện Văn Lãng tận dụng sáng tạo làm đồ dùng, đồ chơi, cải tạo khuôn viên nhà trường, hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Bà Hoàng Thanh Hoa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lãng cho biết: Hằng năm, chúng tôi chỉ đạo 100% trường mầm non tổ chức cho giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học; tổ chức hội thi làm đồ dùng, đồ chơi cấp trường; yêu cầu các trường lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường trong các bài giảng. Năm học 2021 – 2022, toàn huyện có 18 trường mầm non với 236 giáo viên và hơn 3.000 học sinh. Với sự chỉ đạo của phòng, 100% trường đều hưởng ứng tham gia và thực hiện tốt; giáo viên các trường đã tận dụng một cách sáng tạo rác thải nhựa, phế phẩm qua sử dụng thành những sản phẩm trang trí khuôn viên và làm đồ dùng, đồ chơi lạ, đẹp mắt, phục vụ tốt việc dạy học…
Đồ dùng đồ chơi tự tạo của các cô giáo Trường Mầm non xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng
Đến Trường Mầm non xã Tân Thanh, chúng tôi thấy trong khuôn viên nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tận dụng một số lốp xe ô tô, xe máy để tạo thành những bồn trồng hoa, cây cảnh; sử dụng can, chai lọ nhựa để làm thành những chậu, lọ hoa, cây cảnh để trang trí trong khu vực sân trường, các lớp học… tạo nên hình ảnh sống động, cuốn hút. Bà Trịnh Thị Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong các năm học, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch trang trí lại khuôn viên trường, lớp học. Để tạo môi trường “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức 3 lần huy động phụ huynh ủng hộ các vật liệu đã qua sử dụng như: can, chai, lọ nhựa và phế phẩm đã qua sử dụng để phục vụ việc trang trí trường, lớp học, làm đồ dùng học tập. Cùng đó, khuyến khích giáo viên tận dụng rác thải nhựa, phế phẩm để làm đồ dùng học tập. Kết quả, hoạt động này đã trở thành thường xuyên ở trường, góp phần bảo vệ môi trường. Những năm qua, nhà trường được cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị mẫu trong việc xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Cùng với tận dụng rác thải nhựa, phế phẩm đã qua sử dụng, những năm học gần đây, đội ngũ giáo viên các trường mầm non ở Văn Lãng tích cực giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và hướng dẫn học sinh cách tạo nên những đồ dùng học tập từ rác thải nhựa, vật phẩm tái chế nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Chị Hà Huyền My, phụ huynh học sinh lớp 4 tuổi, Trường Mầm non thị trấn Na Sầm cho biết: Sau mỗi giờ tan học, con tôi thường kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện ở lớp. Trong đó, con thường kể được cô giáo hướng dẫn cách vứt rác đúng nơi quy định, cách sử dụng can nhựa làm chậu hoa; được cô hướng dẫn làm đồ chơi, lọ hoa từ những vỏ chai nhựa… và con rất thích thú.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, giúp trẻ thêm yêu thiên nhiên, biết chăm sóc, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Đây là khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặt nền tảng cho các cấp học tiếp theo.
Bà Hà Thị Lại, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Na Sầm cho biết: Để giúp trẻ có ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ, những năm học gần đây, tất cả giáo viên trong trường đều giáo dục lồng ghép những nội dung về bảo vệ môi trường phù hợp với độ tuổi cho học sinh trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài trời. Theo đó, nhận thức của học sinh đã được nâng lên, đơn cử như các em đã biết cách sử dụng đồ nhựa, rác thải có thể tái chế đúng cách…
Được biết, thời gian tới, ngành giáo dục Văn Lãng tiếp tục nghiên cứu, đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo hơn nữa để sử dụng hiệu quả rác thải nhựa, phế phẩm qua sử dụng vào việc trang trí khuôn viên trường, lớp học và làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc dạy và học tại các trường mầm non. Để qua đây không chỉ góp phần giáo dục tốt ý thức cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường mà còn góp phần giảm nguy hại của rác thải nhựa, phế phẩm vào môi trường.
Ý kiến ()