Các trường ĐH thông báo tăng học phí, Bộ GD&ĐT nói gì?
Phải công khai chi phí đào tạo
Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến hết năm học 2020 – 2021 (Nghị định số 86).
Nghị định số 86 đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Khoản 1 Điều 5) và cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (khoản 2 Điều 5), mức tăng học phí bình quân 10%/năm.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86, Chính phủ chỉ quy định khung học phí, còn mức thu học phí cụ thể từng năm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực, phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng miền của địa phương, và mức tăng học phí hàng năm căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng do Nhà nước công bố.
Về mức thu học phí của các cơ sở giáo dục ngoài dân lập, tư thục: Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.
Trước khi tuyển sinh phải công khai mức thu học phí
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải công khai mức thu học phí theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT.
Đồng thời tại Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.
Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh về việc không thể theo học một số trường như dự định, vì mức học phí vượt quá khả năng tài chính của gia đình; Vụ Kế hoạch – Tài chính chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân.
Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.
Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.
Đề xuất mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 15% đối với đào tạo ĐH
Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính: Hiện nay, Chính phủ quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.
Nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập.
Đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng giáo dục và đạo tạo; đồng thời cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
Dự thảo Nghị định quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định, các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội, thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các trường ngoài công lập theo quy định hiện nay tại Nghị định 86 được tự quyết định mức thu học phí, phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp./.
Ý kiến ()