Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các biện pháp đối phó áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ
* Áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía đông bắc * Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.Dự báo đến 13 giờ ngày hôm nay (9-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 111,6 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban...
* Áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía đông bắc
* Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hiện áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.
Dự báo đến 13 giờ ngày hôm nay (9-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 111,6 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư – Ủy ban Quốc gia TKCN đã yêu cầu các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó áp thấp nhiệt đới trên biển và mưa, lũ trên đất liền; đôn đốc công tác triển khai đối phó thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo chủ các hồ chứa nước thực hiện công tác bảo đảm an toàn công trình, thực hiện vận hành theo quy trình.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư – Ủy ban Quốc gia TKCN đã ra Công điện khẩn số 43 ngày 7-11 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan đề nghị thông báo cho chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán đến nơi an toàn bảo đảm về người và tài sản…
Tối 8-11, lũ hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn và các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lần lượt đạt đỉnh; các sông ở Thừa Thiên – Huế và từ Quảng Ngãi đến Bình Định xuống dần. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Cẩm Lệ có khả năng ở mức 2,7 m, trên BĐ3: 0,2 m; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức 4,8 m, trên BĐ3: 0,8 m; tại Hội An ở mức 2,8 m, trên BĐ3: 0,8 m. Đến chiều 8-11, mực nước sông Bồ tại Phú Ốc: 4,0 m, dưới BĐ3: 0,5 m; sông Hương tại Kim Long: 3,0 m, dưới BĐ3: 0,5 m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,0 m, ở mức BĐ3; tại Cẩm Lệ: 2,5 m, ở mức BĐ3; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 4,50 m, trên BĐ3: 0,5 m; tại Hội An: 2,5 m, trên BĐ3: 0,5 m; sông Kôn tại Thạnh Hòa: 7,0 m, ở mức BĐ2.
Thành phố Đà Nẵng có hai người chết do ngã xe trôi xuống hồ và trượt chân ngã xuống mương nước. Nhiều tuyến đường nội thị bị ngập. Tỉnh Quảng Nam có năm người chết, một người mất tích do lũ cuốn trôi. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã vùng cao bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Các tuyến tỉnh lộ, liên xã, liên thôn thuộc các huyện vùng thấp như Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An bị ngập. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên vùng biển Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 đã làm hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm, một ngư dân chết, các tàu cá cùng quê đã cứu kịp thời 11 ngư dân khi tàu bị chìm. Tỉnh Bình Định có một người mất tích do lũ cuốn trôi. Một số tuyến tỉnh lộ, liên xã, thôn tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão bị ngập cục bộ tại các tràn (như tràn Huỳnh Mai, Lạc Điền trên tuyến TL640). Tại Phú Yên, các tuyến TL641, 642, 643, 644, 646, 647, 650 bị ngập nhiều đoạn thuộc các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Đồng Hòa với chiều sâu 0,3 – 1,50 m, gây ách tắc giao thông. Tại Kon Tum, mưa lớn đã làm sạt lở ta-luy dương tại Km1392 (khu vực đèo Lò Xo, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam). Tại đây, đất đá đã vùi lấp khoảng 20m đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đang cùng nhau phối hợp để điều động phương tiện máy xúc, máy ủi, khắc phục sự cố.
Ngày 8-11, tàu BP 43-12-01 của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành cứu kéo và lai dắt tàu cá QNa 3259TS của ông Nguyễn Ký, trú tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bị mắc cạn trên khu vực Cồn Áng, Cửa Đại, TP Hội An vào bờ an toàn. Trước đó vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 7-11, tàu cá QNa 3259TS do ông Nguyễn Ký làm thuyền trưởng cùng bốn thuyền viên đang trên đường vào Cửa Đại thì bị sóng và nước lũ đánh bạt vào khu vực Cồn Áng (cách bờ 2,5 km) mắc cạn.
Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) ngày 8-11 cho biết, trước tình hình mưa lũ lớn tại các tỉnh miền trung, các công ty điện lực trực thuộc đã chủ động cô lập nhiều tuyến đường dây và trạm biến áp nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân trong vùng ngập lụt.
Diễn biến thời tiết trong các ngày tới tương đối phức tạp, các đơn vị thuộc EVNCPC đã bố trí nhân lực theo dõi sát diễn biến mưa lũ để kịp thời triển khai phương án phòng chống, bảo đảm cung ứng điện an toàn cho nhân dân.
Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão các địa phương ở khu vực ven biển, ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực cù lao ở tỉnh Trà Vinh đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống triều cường trong tháng 11-2011. Theo đó, các địa phương huy động lực lượng kết hợp cùng phương tiện cơ giới khẩn trương gia cố, đắp lại các đoạn đê bao bị vỡ; tôn cao hệ thống đê bao, bờ vùng, bờ thửa ở những nơi xung yếu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()