Các tỉnh, thành phố ven biển từ Ðà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: VÂN NAM * Cảnh báo cháy rừng ở nhiều địa phương * Dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi * Nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, khoảng 7 giờ sáng nay (22-2), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,2 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 350 km về phía đông đông nam.Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển phía đông nam quần đảo Trường Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Trong khi đó, gió mùa...
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: VÂN NAM |
* Cảnh báo cháy rừng ở nhiều địa phương
* Dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi
* Nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, khoảng 7 giờ sáng nay (22-2), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,2 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 350 km về phía đông đông nam.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển phía đông nam quần đảo Trường Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Trong khi đó, gió mùa đông bắc tiếp tục gây mưa ở khu vực Bắc và Trung Bộ, song lượng mưa cũng không lớn. Khu vực Nam Bộ nắng nóng giảm dần.
Tối 21-2, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư-Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 07 gửi Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung Công điện như sau:
Chiều 21-2, sau khi đi vào khu vực phía tây nam biển Xu-lu (Phi-li-pin) áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần. Cùng lúc trên khu vực phía tây nam quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp và nhanh chóng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,0 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, cách đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ ngày hôm nay (22-2) vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,5 độ vĩ bắc; 109,0 độ kinh đông, cách đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 360km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của nhiễu động trong đới gió đông trên cao cho nên khu vực các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ đêm nay (22-2) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư-Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ: Theo dõi kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía nam vĩ tuyến 9 và phía đông kinh tuyến 107, vùng nguy hiểm trên sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc trên các phương tiện thông tin đại chúng, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư-Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.
* Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Bình Định cho biết: Đến trưa 21-2, tổng số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động tại các ngư trường có 7.549 chiếc với 41.340 lao động; trong đó đã vào bờ neo đậu an toàn là 4.789 chiếc với 20.543 lao động. Tại ngư trường khu vực phía bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 203 tàu/1.671 lao động; tại ngư trường phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 2.065 tàu/15.411 lao động; khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có 285 tàu/2.137 lao động; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 30 tàu/229 lao động và khu vực quần đảo Trường Sa có 177 tàu/1.349 lao động. Đến nay, toàn bộ số tàu thuyền trên đã nhận được thông tin về thời tiết nguy hiểm, đang di chuyển tìm nơi trú ẩn an toàn, hoặc vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục liên lạc với số tàu thuyền trên và sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Tại tỉnh Bình Dương, nắng gắt kéo dài khiến hàng nghìn ha rừng phòng hộ quý hiếm ở đầu nguồn hồ huyện Dầu Tiếng luôn trong tình trạng cảnh báo cháy cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã yêu cầu các hạt kiểm lâm làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Huy động hàng chục cán bộ kiểm lâm ứng trực 24/24 giờ tại các chốt tháp canh trên khắp các huyện, thị có rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã nâng cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh lên cấp 5. Đồng thời có thông báo khẩn đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Các lực lượng canh phòng phải thường xuyên túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tỉnh Đác Lắc đã huy động các lực lượng chức năng tham gia công tác bảo vệ rừng do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Đồng thời xác định các điểm nóng trên địa bàn để bố trí lực lượng thường xuyên nắm bắt tình hình, có biện pháp xử lý, ngăn chặn, nhất là tình trạng khai thác gỗ trái phép tại các vùng rừng giáp ranh với các huyện, các tỉnh lân cận. Tại tỉnh Gia Lai, sau gần ba ngày nỗ lực ngăn chặn lửa dữ hoành hành tại rừng phòng hộ bắc Biển Hồ, lực lượng chữa cháy đã khống chế và dập tắt hoàn toàn các đám cháy ở tất cả các tiểu khu 252, 253, 249 và 262. Ước tính thiệt hại khoảng 270 ha, trong đó 162 ha rừng trồng. Ban Quản lý vườn chim Bạc Liêu đã cảnh báo cháy rừng cấp 4 ở khu vực này do nắng nóng gay gắt kéo dài. Ngành chức năng tỉnh cũng đã ra quyết định tạm đóng cửa, nghiêm cấm tuyệt đối khách tham quan để phòng cháy rừng.
Huyện Đác Hà (Kon Tum) đã thực hiện cắt đường ống của kênh dẫn nước N10 (đập thủy lợi Đác Uy) nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho hơn 400 ha cà-phê trên địa bàn xã Hà Mòn. Sau hàng chục năm đưa vào vận hành, nắp cống chính dẫn nước của đập Đác Uy xuống cấp, khiến hơn 400 ha cà-phê bị hạn cục bộ. Do nắng hạn kéo dài, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau mất trắng vì thiếu nước, nặng nhất là huyện Đầm Dơi và Cái Nước. Nhiều nông dân đã bơm nước từ sông đưa vào ruộng, sau đó thả tôm giống ngay. Tuy nhiên, đây là cách làm mạo hiểm vì nước đã bị ô nhiễm, thả nuôi tôm không hiệu quả. Dự báo, năm 2013, nghề nuôi tôm của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch rộ lúa đông xuân nhưng lại thiếu phương tiện và nhân công thu hoạch. Toàn tỉnh có 138 máy gặt đập liên hợp, chỉ đáp ứng khoảng một phần ba nhu cầu. Tỉnh đang khẩn trương triển khai thực hiện đề án cơ giới hóa với hình thức cho nông dân vay vốn để mua 100 máy phục vụ việc thu hoạch lúa.
Tại Hòa Bình, do thời tiết bất thường cho nên rầy đã xuất hiện, mật độ phổ biến 20-50 con/m2, gây hại trên mạ trà xuân muộn, lúa giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Ngoài ra còn xuất hiện sâu đục thân, ốc bươu vàng hại lúa. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung xử lý dịch bệnh, hạn chế gây hại cho lúa đông xuân.
Tỉnh Quảng Trị có hơn 2.400 ha lúa đông xuân ở các địa phương bị chuột phá hoại, trong đó có 1.065 ha bị hại nặng, tỷ lệ gây hại phổ biến 20%, nơi cao 40-80%, tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Các địa phương đã tiến hành gieo lại hơn 200 ha lúa và đẩy mạnh diệt chuột bằng nhiều hình thức.
Theo Chi cục Thú y Bắc Cạn, tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn và Hà Hiệu, huyện Ba Bể xuất hiện dịch bệnh tụ huyết trùng trên đàn gia súc làm 47 con trâu mắc bệnh, trong đó chết 33 con. Nguyên nhân do gia súc không được tiêm vắc-xin phòng bệnh theo định kỳ. Sau khi các xã đã tập trung tiêm phòng bao vây ổ dịch, dịch bệnh đã được khống chế.
Tại huyện Tân Trụ, Châu Thành (Long An), hiện có hơn 212 con lợn mắc bệnh tai xanh, trong đó đã tiêu hủy 133 con. Để tránh dịch bệnh lây lan, ngành thú y tỉnh phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm các huyện tổ chức tiêm vắc-xin, bao vây và phun thuốc khử trùng tiêu độc ở các xã nêu trên để dập dịch kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()