Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động
Cán bộ tỉnh và huyện cấp, phát mì tôm cho nhân dân vùng lũ xã Tuợng Sơn, huyện Nông Cống. * Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lênTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, sáng nay, 13-9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1 (10 m); trên sông Cả tại Dừa lên mức BĐ 2 (22,5 m), tại Nam Đàn (Nghệ An) lên mức 7,2 m (trên BĐ2: 0,3 m), sau đó còn tiếp tục lên chậm; hạ lưu sông Mã và sông La còn dưới mức BĐ 1.Trung tâm cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An.Hiện lũ hạ lưu sông Mê Công đang lên. Mực nước đo được lúc 7 giờ ngày 12-9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,85 m, dưới BĐ 2: 0,15 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,29 m, dưới BĐ 2: 0,21 m, tại Long Xuyên ở mức BĐ 1- BĐ 2. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu...
|
* Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, sáng nay, 13-9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1 (10 m); trên sông Cả tại Dừa lên mức BĐ 2 (22,5 m), tại Nam Đàn (Nghệ An) lên mức 7,2 m (trên BĐ2: 0,3 m), sau đó còn tiếp tục lên chậm; hạ lưu sông Mã và sông La còn dưới mức BĐ 1.
Trung tâm cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An.
Hiện lũ hạ lưu sông Mê Công đang lên. Mực nước đo được lúc 7 giờ ngày 12-9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,85 m, dưới BĐ 2: 0,15 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,29 m, dưới BĐ 2: 0,21 m, tại Long Xuyên ở mức BĐ 1- BĐ 2. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên biến đổi chậm. Đến ngày 16-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,10 m, trên mức BĐ 2: 0,1 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,55 m, trên BĐ 2: 0,05 m. Mực nước tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên ở mức BĐ 1- BĐ 2.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư (PCLB T.Ư), tuy một số hồ chứa nước vừa và nhỏ mực nước đã vượt qua tràn xả lũ từ 10 đến 30 cm nhưng các hồ chứa nước thủy lợi vẫn bảo đảm an toàn. Một số hồ chứa nước lớn đã tiến hành xả lũ về hạ du như: hồ sông Sào (Nghệ An) xả 1 cửa từ 7 giờ ngày 10-9, với lưu lượng xả 170 m3/s; hồ Vực Mấu (Nghệ An) xả hai cửa từ 7 giờ ngày 11-9, với lưu lượng xả 440 m3/s. Việc xả lũ được cơ quan có trách nhiệm thông báo cho nhân dân và chính quyền địa phương ở hạ du để triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư – Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có Công điện số 26/CĐ-T.Ư đề nghị Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Khẩn trương tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra.
Mưa liên tục suốt đêm 11-9 và cả ngày 12-9, đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở nội thành Nam Định. Đến 17 giờ ngày 12-9, các tuyến đường chính trong thành phố nước vẫn chưa rút, mặc dù Công ty công trình đô thị Nam Định huy động khá nhiều công nhân ứng trực mở các hố ga lớn trên mặt đường để tiêu thoát nước.
Tại Thanh Hóa, mưa lớn trong những ngày qua đã gây thiệt hại gần 203 tỷ đồng. Hơn 180 ngôi nhà bị ngập, 5.770 ha lúa có khả năng mất trắng, 336 ha ngô bị ngập và hư hại. Hàng trăm ha hoa màu, lạc, mía bị đổ, ngập và hư hại; sáu hồ đập nhỏ bị tràn, hai cột điện bị gãy, hơn 7.500 m3 đê điều bị sạt lở và hàng chục ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ.
Theo báo cáo từ Ban PCLB -TKCN tỉnh Nghệ An, đã có ba người chết và mất tích sau cơn mưa lũ từ chiều 8-9 đến 12-9. Toàn tỉnh có 331 nhà ở bị ngập, năm nhà sập, 31 nhà bị sạt lở; 3.019 ha lúa, 1.209 ha ngô và rau màu, 1.057 ha mía bị ngập; thiệt hại 174 ha cây công nghiệp; 150 con gia cầm bị cuốn trôi; sạt lở 5.110 m3 đường giao thông, 84 cầu nhỏ bị hư hỏng và cuốn trôi, tám cột điện cao thế bị đổ gãy. Quốc lộ 7 (đoạn từ Km 129 đến Km 188) bị sạt lở ta-luy; đoạn từ Km 90 đến Km 91 trên quốc lộ 48C bị ngập lụt và sạt lở, gây nhiều khó khăn cho các phương tiện qua lại. Tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương phối hợp các ngành khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị, 12 huyện, thị xã, thành phố chủ động tiêu úng, tiêu thoát lũ cho lúa hè thu; các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh đề phòng lũ quét, sạt lở đất; các huyện vùng đồng bằng đề phòng ngập úng vùng trũng.
Tại Phú Yên, gần 40 ha lúa vụ hè thu đang kỳ thu hoạch và hơn hai ha lúa đã cắt xong nằm tại ruộng lúa hai thôn Phong Hậu và Long Hòa, xã An Định bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi, do các hồ chứa nước thủy lợi đầu nguồn đồng loạt xả lũ, làm nước sông Cái dâng cao đột ngột.
Tại tỉnh Bình Thuận, mưa, lũ gây ngập gần 1.200 ha lúa, 260 ha thanh long, hơn 130 ha cây trồng ngắn ngày, 56 ha cao-su và gần 40 ha điều. Mưa, lũ cũng đã làm chìm, hư hỏng một tàu cá 74 CV tại thị xã La Gi. Cùng đó, nhiều ao nuôi cá, hồ nuôi tôm bị vỡ, tràn nước; gần 3.000 m đường giao thông nông thôn và 1.800 m kênh mương thủy lợi, bờ bao bị sạt lở. Đặc biệt, ngày 12-9, tại địa bàn xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam), một học sinh đã bị lũ cuốn trôi. Ban Chỉ huy PCLB địa phương đã cử cán bộ bám sát các địa bàn bị ngập lụt, kịp thời chỉ đạo ứng phó nhanh với thiên tai.
Tại An Giang, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN huyện An Phú đã tổ chức họp khẩn đề ra các giải pháp ngăn ngừa giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện nay, tuy đỉnh lũ chưa đạt cao nhất nhưng trong huyện đã có bốn trường hợp chết do lũ, mưa giông, lốc. Lũ còn làm sập hoàn toàn một nhà dân và làm xiêu vẹo phải di dời ngay năm căn nhà khác. Lũ về đã gây thiệt hại 117,7 ha diện tích sản xuất lúa, màu; trong đó, có 2,4 ha lúa đã bị mất trắng.
Tại TP Cần Thơ, nước lũ đang lên đe dọa nhiều diện tích lúa thu đông ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt. Hiện có gần 250 ha lúa thu đông ở Vĩnh Thạnh bị ngập, thiệt hại từ 30 đến 40% năng suất. Phần lớn diện tích lúa bị ngập nằm ngoài vùng đê bao khép kín. Ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động gia cố các đê bao, chuẩn bị phương tiện để bơm nước tiêu úng khi cần thiết.
Đến 18 giờ 30 phút, ngày 12-9, giao thông giữa Móng Cái và Hạ Long (Quảng Ninh) hoàn toàn bị chia cắt trong hơn 6 giờ đồng hồ vẫn chưa được thông tuyến.
Nguyên, từ sáng 12-9, mưa lớn khiến moong nước (bãi than chưa hoàn nguyên) của Công ty Than Cọc 6 tràn ra ngoài làm ngập hàng chục hộ dân và một doanh trại quân đội tại khu vực tổ 1, khu 1, phường Cửa Ông (Cẩm Phả).
Tuyến đường tránh (đường vào Cảng Khe Dây) do ngập nước, có chỗ 50 cm nên cũng ách tắc. Hàng trăm chiếc xe công-ten-nơ, xe tải và xe khách phải nằm chờ nhiều giờ đồng hồ. Nhiều xe khách tuyến hướng Quảng Ninh – Móng Cái đã phải chở khách quay lại thị xã Cẩm Phả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()