Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đề phòng ngập úng trên diện rộng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 10-9, một rãnh thấp mới đang hình thành và mạnh dần lên tác động đến thời tiết các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong ngày, nắng muộn hơn, đến trưa lượng ẩm tích tụ đủ lớn sẽ gây mưa dọc ven biển từ Kiên Giang đến Cà Mau, sau đó lan ra toàn Nam Bộ và Tây Nguyên. Các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh là những điểm có mưa vừa, mưa to.
Mưa đúng lúc triều cường lên cao sẽ gây ngập úng cho một số tuyến phố. Rãnh thấp cũng tác động trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ, chiều nay mây dông kéo đến gây mưa rải rác, cục bộ có điểm mưa lượng khá, vì vậy, nắng trong ngày không quá mạnh. Bắc Bộ tiết trời dịu mát, gần trưa có nắng, nhiệt độ tăng dần, không quá cao nhưng oi nóng vào giữa trưa.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-14 độ vĩ bắc nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh; gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy.
Hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang lên. Dự báo, trong vài ngày tới, nước tiếp tục lên, riêng các trạm vùng cuối nguồn lên mức báo động 2 (BĐ2) có nơi trên mức BĐ3. Đến ngày 13-9, mực nước cao nhất trong ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,15 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,75 m; tại các trạm vùng cuối nguồn xuống mức BĐ1.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận, từ ngày 4 đến 5-9 có mưa to kèm theo lốc xoáy trên địa bàn thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình làm tốc mái 45 căn nhà, sạt lở 30 m tuyến đường giao thông, thiệt hại 35 ha rau màu, ước tính thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng. Tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.
Ngày 10-9, tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn công tác đến các địa phương trong tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi bảo đảm tiến độ vượt lũ, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống thiên tai để người dân nắm bắt và thực hiện, chủ động ứng phó mọi diễn biến thời tiết, tránh tư tưởng chủ quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó ảnh hưởng của En Ni-nô. Nội dung chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng sớm phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2014-2015; tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước; vận hành hồ chứa thủy điện, hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống hạn hán…
* Hỗ trợ 160 tỷ đồng phòng, chống cháy rừng năm 2014:Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý hỗ trợ 160 tỷ đồng cho 13 địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện phòng, chống cháy rừng năm 2014. Việc hỗ trợ vốn cho các dự án phải bảo đảm theo đúng quy định hiện hành. Về nguồn vốn hỗ trợ, thực hiện ứng trước từ ngân sách Trung ương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()