Các tỉnh Tây Bắc coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp các tỉnh, thành phố toàn vùng tập trung triển khai nhiệm vụ củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu giai đoạn 2014-2018.
* Long An huy động hơn 13 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp các tỉnh, thành phố toàn vùng tập trung triển khai nhiệm vụ củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở các xã trọng yếu giai đoạn 2014-2018.
Trước thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập, trước hết là bất hợp lý về mặt cơ cấu cán bộ tác động đến sức chiến đấu và sự lãnh đạo của hệ thống chính trị, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu tổng thể nhằm bảo đảm tỷ lệ cơ cấu cán bộ cơ sở một cách hợp lý, nhất là đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số. Các tỉnh đều có chương trình, kế hoạch hành động gắn liền nội dung công việc tiến độ, lộ trình thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cho đội ngũ cán bộ các xã, xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác theo vị trí việc làm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, bản; đề ra giải pháp bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, bảo đảm tỷ lệ cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2018, các tỉnh trong vùng Tây Bắc phấn đấu 100% số thôn, bản có đảng viên; 90% số thôn, bản có chi bộ; 85% số cán bộ chuyên trách cấp xã được đào tạo chuẩn.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc ban hành quy chế phối hợp công tác với các địa phương và đơn vị liên quan; các tỉnh trong vùng có chương trình phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị cơ sở.
* Đến nay, tỉnh Long An đã huy động được 13.329 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn năm nghìn tỷ đồng. Riêng chín tháng năm 2014, tỉnh huy động 2.243 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.247 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn huy động, tỉnh Long An tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu ở nông thôn như: hệ thống giao thông liên xã, liên ấp, thủy lợi nội đồng, cải tạo môi trường, khu vui chơi giải trí, trường học, xóa nhà tranh vách lá, tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, dạy nghề, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Với sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân, phát huy tính tích cực của phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh có tám xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ nay đến cuối năm 2014, tỉnh phấn đấu có thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2015 có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Năm 2014, tỉnh dành ngân sách gần 1.800 tỷ đồng hỗ trợ 28 xã còn lại (giai đoạn 2011-2015) để xây dựng hạ tầng nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm nay có 150 xã đạt 13 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()