Các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn chủ động đối phó mưa lớn, lũ quét
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông, trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (từ 90 đến 100 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
* Hồ, đập Tây Nguyên thiếu nước giữa mùa mưa
Dự báo trong 12 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được từ 10 đến 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 5-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,4 độ vĩ bắc; 108,2 độ kinh đông, trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 40 đến 50 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và suy yếu thành một vùng áp thấp, sau đó tan dần.
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ và vùng núi phía bắc có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, đề phòng lũ quét sạt lở đất trên các sông suối nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.
* Ngày 4-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Ủy ban quốc gia TKCN có Công điện khẩn số 31/CĐ-T.Ư yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, các tỉnh miền núi đông bắc, đồng bằng Bắc Bộ; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Xem xét, chủ động cấm biển đối với các tàu cá, tàu du lịch, vận tải nhỏ hoạt động tại khu vực vùng biển Quảng Ninh; có phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên các đảo. Các tỉnh miền núi đông bắc và đồng bằng Bắc Bộ đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo chủ các hồ chứa chủ động vận hành bảo đảm an toàn và tích nước phục vụ sản xuất.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ đội Biên phòng, thông tin từ Cục Kiểm ngư và các địa phương, tính đến 6 giờ ngày 4-10, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, thông tin, kiểm đếm và hướng dẫn cho 64.942 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, 293.288 lao động biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
* Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều – Tổng cục Thủy lợi, các tuyến đê từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa hiện vẫn bảo đảm an toàn, một số tuyến đê biển, đê cửa sông đang thi công thuộc tỉnh Nam Định, Thanh Hóa đã được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, bảo đảm an toàn trước bão.
* Trước tình hình cơn bão số 4 dự kiến ảnh hưởng các địa bàn do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý, EVNNPC đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tăng cường ứng trực, sẵn sàng có giải pháp đối phó. Khi bão vào, trường hợp mưa, gió quá lớn, các đơn vị được lệnh chủ động tách đường dây và trạm biến áp khỏi hệ thống để bảo đảm an toàn cho người dân và lưới điện.
* Tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão số 4, đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt kiểm tra các mặt trọng tâm. Cảng vụ Đường thủy đã tạm dừng cấp phép cho các hoạt động của tất cả các tàu du lịch lưu trú qua đêm trên biển, tàu du lịch vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tàu vận tải khách trên các tuyến đi ra các xã đảo của hai huyện Vân Đồn và Cô Tô. Hiện, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ, tàu đánh bắt gần bờ và tàu du lịch đã được các chủ tàu đưa về nơi trú bão an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử một tàu và hai xuồng cao tốc ứng trực tại vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả), sẵn sàng cơ động tham gia TKCN trên vùng biển từ thị xã Quảng Yên đến TP Móng Cái; một tàu và hai xuồng cao tốc ứng trực tại khu vực Nhà Đèn sẵn sàng tham gia TKCN từ Nhà Đèn đến thị xã Quảng Yên. TP Móng Cái yêu cầu người dân khẩn trương thu hoạch phần diện tích lúa mùa đã chín, có phương án tiêu thoát nước cho những diện tích chưa thu hoạch. Huyện đảo Cô Tô cũng đã chuẩn bị phương án di dân tại những nơi mất an toàn đến nhà văn hóa thôn khu, các trường học và bảo đảm lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân. Rà soát lại hệ thống cống thoát nước, hồ đập, các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra. Tại huyện Cô Tô, còn 115 khách du lịch ở lại theo chương trình và được địa phương xác nhận an toàn. Tại huyện Vân Đồn, không còn khách du lịch trên các đảo Minh Châu, Quan Lạn. TP Cẩm Phả nơi được dự báo có mưa lớn đã chủ động rà soát lại các khu vực sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở do đợt mưa lũ kéo dài vừa qua. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố đã đi rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các chủ kinh doanh phải giằng buộc chắc chắn các lồng bè và di chuyển người lên bờ. Riêng phường Mông Dương và Cửa Ông phối hợp cùng các đơn vị thi công gia cố chắc chắn lại các tuyến kè xung yếu, các tuyến ta-luy có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, thực hiện khơi thông dòng chảy để bảo đảm an toàn. Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đang khẩn trương huy động lực lượng gia cố ngay những khu vực xung yếu, khơi thông dòng chảy, có phương án bảo đảm an toàn cho hầm lò, bãi thải của mỏ trong trường hợp mưa lớn xảy ra. Đồng thời bảo đảm an toàn cho các khu dân cư trong khu vực bãi thải.
* Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Cao Bằng đã tổ chức triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó ảnh hưởng của bão số 4. Theo đó, thông báo, đặt biển báo nguy hiểm tại các khu vực ngầm qua suối khi có mưa, lũ. Rà soát, chủ động sơ tán nhân dân sống ở khu vực có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp, vùng hạ du đập, ven sông, suối, chân sườn đồi núi cao. Kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các khu mỏ khai khoáng, chuẩn bị phương tiện, lực lượng thường trực bảo đảm giao thông thông suốt cho các tuyến chính trong tỉnh.
* Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xuống địa bàn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất tại các huyện, thành phố. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, vị trí ngầm tràn, đường tràn; các đường dân sinh qua suối. Các chủ đầu tư, Ban quản lý, các nhà thầu đang thi công chủ động di dời lán, trại ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuyên truyền và hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét.
* Ngày 4-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh Bình Thuận cho biết, vào lúc 7 giờ ngày 4-10, tàu cá KH 93168TS của ngư dân Khánh Hòa đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa bị hỏng máy thả trôi tại tọa độ 10o15’ vĩ độ bắc, 110o49’ kinh độ đông (cách đảo Phú Quý khoảng 113 hải lý về phía Đông Đông Nam), trên tàu có sáu lao động. Trước đó, vào lúc 9 giờ ngày 3-10, tàu cá BTh 96747TS, có 15 lao động do ông Văn Thanh Dũng, SN 1969, trú thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý (Bình Thuận) làm thuyền trưởng đang hành nghề câu khơi tại vùng biển Bắc Trường Sa, bị hỏng máy thả trôi tại tọa độ 10 o46’ vĩ độ bắc, 110 o22’ kinh độ đông (cách đảo Phú Quý khoảng 90 hải lý về phía Đông Đông Bắc). Tại vùng biển hai tàu bị nạn, có gió cấp 4 – 5.
Nhận được tin báo, BCH BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng trực thuộc thông báo cho các tàu cá ngư dân đang hoạt động gần khu vực trên biết. Hiện nay gia đình chủ tàu Phú Quý bị nạn đã liên hệ được tàu BTh 98858TS, do ông Lê Minh Huy, trú xã Long Hải, Phú Quý làm thuyền trưởng đề nghị ra cứu kéo tàu bị nạn về đảo.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tại Tây Nguyên đang là mùa mưa nhưng hầu hết hồ, đập vẫn chưa tích đủ lượng nước cần thiết để phục vụ chống hạn mùa khô năm 2015 – 2016. Thậm chí, hàng nghìn công trình hồ, đập mới chỉ tích nước được 30%, giảm gấp nhiều lần so với năm 2014. Theo dự báo, mùa mưa năm nay đến muộn và kết thúc sớm, nhất là khu vực Tây Nguyên cho nên lượng mưa có thể thiếu hụt từ 30 đến 60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Hiện, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 2.261 công trình thủy lợi, diện tích tưới thiết kế 268.987 ha, nhưng thực tế chỉ mới tưới cho 202.166 ha.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()