Các tỉnh phía bắc gieo cấy đạt gần 674 nghìn ha lúa đông xuân
* Kon Tum hỗ trợ 860 triệu đồng khắc phục hạn hán * Nghệ An làm rõ nguyên nhân trâu, bò chết nhiều * 15 tỉnh có nguy cơ cháy ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, các tỉnh miền bắc gieo cấy đạt gần 674 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 76,2% so cùng kỳ. Dự kiến tuần đầu tháng 3, các vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển Bắc Trung Bộ sẽ kết thúc gieo cấy.Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tranh thủ khi trời ấm tiến hành tỉa dặm, bón thúc để lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Những diện tích lúa chết rét hơn 50% cần nhổ cấy dồn hoặc cấy lại nếu có đủ mạ tốt. Bên cạnh đó, các tỉnh kiểm tra, theo dõi các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên mạ và lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày trên đất chuyên màu và đất lúa chuyển trồng màu để bù đắp sản lượng lúa bị thiếu...
Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tranh thủ khi trời ấm tiến hành tỉa dặm, bón thúc để lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Những diện tích lúa chết rét hơn 50% cần nhổ cấy dồn hoặc cấy lại nếu có đủ mạ tốt. Bên cạnh đó, các tỉnh kiểm tra, theo dõi các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên mạ và lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày trên đất chuyên màu và đất lúa chuyển trồng màu để bù đắp sản lượng lúa bị thiếu hụt trên các diện tích bị chết rét…
Đến nay, tỉnh Thái Bình đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy hơn 83 nghìn ha lúa đông xuân bằng 100% giống ngắn ngày, trong đó có hơn 20 nghìn ha gieo thẳng. Hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đã mở các cống, vận hành trạm bơm đưa nước vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện tập trung xuống đồng gieo cấy lúa, bảo đảm đúng lịch thời vụ.
Tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch xong hơn 10/84 nghìn ha lúa đông xuân. Hiện giá lúa thu hoạch tại ruộng có giá 5.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so đầu vụ. Năm nay, nhiều địa phương nông dân tổ chức thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, bán giá cao hơn gặt bằng tay 200-400 đồng/kg. Vừa tăng năng suất thu hoạch, giảm thất thoát, nhất là giảm áp lực thiếu công lao động thu hoạch lúa vào chính vụ.
Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (Đác Nông) đã xả đủ nước về hạ du phục vụ sản xuất vụ đông xuân theo yêu cầu của các huyện thuộc tỉnh Đác Lắc và Đác Nông. Để tiết kiệm nước và hạn chế sạt lở bờ sông phía hạ du, nhà máy chỉ cho chạy một tổ máy phát điện công suất tối đa 43 MW với thời gian vận hành mỗi ngày 17-18 giờ và lượng nước xả đạt 100 m3/giây. Dự kiến sau một thời gian xả đủ nước cho sản xuất, phục vụ sản xuất, nhà máy sẽ điều chỉnh công suất phát điện và giảm lượng nước xả theo sự điều hành chung của Trung tâm điều độ điện quốc gia.
UBND tỉnh Kon Tum đã xuất ngân sách đợt một 860 triệu đồng từ nguồn kinh phí chống hạn khẩn giúp các huyện Sa Thầy, Kon Tum, Đác Hà, Đác Tô, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi để mua máy bơm, đường ống, nạo vét giếng, mua xăng, dầu… bơm nước chống hạn cứu lúa, hoa màu và phục vụ sinh hoạt của người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh, thành phố lập bốn đoàn xuống các huyện cùng nhân dân chống hạn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.359,6 ha cây trồng bị hạn, thiệt hại ước khoảng 62 tỷ đồng.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị ngành nông nghiệp và các huyện làm rõ nguyên nhân về việc trâu, bò chết nhiều trong thời gian qua, nhằm kiểm điểm hoặc xử lý nghiêm những ngành và cá nhân vi phạm. Được biết, do rét đậm, rét hại kéo dài, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 1.200 con trâu, bò bị chết, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, thiệt hại tài sản của nông dân và ngân sách Nhà nước.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa thành lập ba chốt kiểm dịch động vật tại Bến phà nổi Mỹ Lợi (thị xã Gò Công), xã Hòa Khánh (Cái Bè) và xã Tân Hương (Châu Thành). Các chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ, đến khi UBND tỉnh có quyết định công bố hết dịch lở mồm, long móng gia súc trên địa bàn tỉnh. Các chốt kiểm dịch sẽ kiểm tra các đối tượng kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, hoặc xuất, nhập qua địa bàn tỉnh và thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm; thực hiện việc tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi sau khi đi qua chốt kiểm dịch động vật.
15 tỉnh có nguy cơ cháy cấp cực kỳ nguy hiểm
Theo Cục Kiểm lâm, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài nên nhiều địa phương trong cả nước đang có nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến nay, nhiều khu rừng tại 15 tỉnh đang có nguy cơ cháy cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V), bảy địa phương có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm (cấp IV). Nếu cháy xảy ra, hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan rất nhanh. Ban chỉ đạo T.Ư PCCCR yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương này thực hiện ngay những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()