Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn sớm hơn hai tháng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do không khí lạnh tăng cường yếu, ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ tăng lên khoảng 2oC. Tuy nhiên, trời vẫn nhiều mây, có mưa nhỏ. Mặt khác, do lũ năm 2015 ở mức thấp, cho nên mặn xuất hiện sớm trong mùa khô. Diễn biến mặn xâm nhập trên hệ thống sông sớm so cùng kỳ năm 2014 khoảng 45 ngày và sớm hơn so trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng hai tháng. Độ mặn trên dòng chính của các cửa sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đỉnh từ ngày 27, 28-12-2015.
* Theo Cục Trồng trọt, năm nay diện tích gieo trồng lúa cả năm giảm 52.000 ha do ảnh hưởng của El Nino, nhưng nhờ năng suất đạt 57,7 tạ/ha (tăng 0,1%) cho nên sản lượng dự kiến đạt 45,2 triệu tấn (tăng khoảng 230 nghìn tấn). Năm 2015, miền trung hạn hán nặng nề với 50 nghìn ha bị ảnh hưởng, trong đó 10 nghìn ha bỏ trắng, phải chuyển đổi sang các cây trồng khác. Hiện, các tỉnh phía nam có hơn 9.000 ha bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, năng suất giảm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông, với diện tích đạt 871 nghìn ha, tăng 56 nghìn ha. Nhờ vậy, sản lượng lúa đã được bù đắp phần thiếu hụt và có sự gia tăng về sản lượng so với năm 2014.
Do nước mặn liên tiếp xâm nhập, nông dân phường Vĩnh Thông (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Ảnh: HỮU KHOA
* Năm 2014, đã có 214 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, có giá trị kinh tế cao hơn và giảm bớt khó khăn về thị trường xuất khẩu lúa gạo. Riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi hơn 100 nghìn ha. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển đổi sang cây ngô vẫn còn hạn chế, dẫn đến lượng ngô nhập khẩu vẫn còn cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 11 giống ngô biến đổi gen và đưa vào trồng với diện tích khoảng 3.500 ha. Được biết, năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 50,54 triệu tấn, tăng 378 nghìn tấn. Giá trị bình quân/ha đất trồng trọt ước đạt 82,5 triệu đồng/ha, tăng 3,8 triệu đồng/ha so với năm 2014.
* Theo Cục Bảo vệ thực vật, tại các tỉnh phía bắc, sâu đục thân hai chấm trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng rải rác trên các trà mạ chiêm. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, dòi đục nõn… phát sinh, hại cục bộ trên lúa đông xuân sớm giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Đặc biệt, ốc bươu vàng lây lan mạnh theo nguồn nước. Tại các tỉnh phía nam, rầy nâu tiếp tục phát triển ở tuổi 3 đến 5, trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu ngoài đồng, phun trừ khi ở ruộng lúa xuất hiện với mật độ cao nhằm tránh thiệt hại do rầy nâu gây ra và di trú mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh Đông Nam Bộ theo gió mùa đông bắc đến các trà lúa đông xuân mới gieo sạ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Nhandan

Ý kiến ()