Các "siêu lừa" chạy trường chiếm đoạt gần 2 tỷ
Không có chức năng tuyển sinh nhưng các “siêu lừa” đã soạn thảo ra các giấy thông báo tuyển sinh, nhập học… Nhóm lừa đảo đã khiến 17 nạn nhân mắc bẫy, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Ngày 23-25/2, TAND mở phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Viết Tài (63 tuổi, ở Định Công, quận Hoàng Mai) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Tài là tiến sĩ kinh tế, từng công tác tại một trường ĐH ở Hà Nội.
Ngoài bị cáo Tài, các bị cáo khác như: Giang bị truy tố về hành vi lừa đảo, Loan và Tâm cùng đối mặt với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo truy tố, khoảng tháng 11/2008, anh Hùng (40 tuổi, công tác trong quân đội) có 3 người cháu chưa có việc làm. Anh Hùng đã nhờ một phụ nữ xin vào trường T36 – Bộ Công an và phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội.
Người phụ nữ sau đó đã điện thoại cho ông Tài. Ông Tài “múa mép” rằng có thể lo lót được, đồng thời ra giá lần lượt mỗi suất là 60 triệu đồng và 135 triệu. Anh Hùng đã gom được 180 của 3 gia đình, nhờ đưa cho ông Tài.
Ngày 5/2/2009, vụ việc lừa đảo của ông Nguyễn Viết Tài bị vạch trần. Một người cháu của anh Hùng mang giấy trúng tuyển vào lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội và phát hiện là giả. Ông Tài và các đồng phạm bị đưa ra trước pháp luật.
Cơ quan điều tra làm rõ, ông Tài không có chức năng tuyển dụng người vào công tác và học tập trong các đơn vị, nhà trường thuộc ngành công an. Tuy nhiên, người đàn ông này đã tung tin, hứa hẹn có khả năng lo lót, với giá mỗi trường hợp từ 45 đến 210 triệu đồng.
Trợ thủ của ông Tài trong các vụ lừa đảo là Nguyễn Thị Lê Giang (27 tuổi, ở Định Công, quận Hoàng Mai). Cả hai thu thập các giấy thông báo tuyển sinh, giấy nhập học, quyết định nhận công tác của trường trung học cảnh sát, an ninh, T36, V26… rồi soạn thảo giấy giả. Hoàn tất công đoạn này, họ thuê Triệu Thị Kim Loan (44 tuổi, quê ở Lào Cai) và Phạm Thị Tâm (46 tuổi, trú ở Kim Giang, quận Thanh Xuân) in giả dấu đỏ vào giấy tờ đã soạn với giá 1,5 triệu đồng một loại dấu.
Cho tới khi bị bắt, Loan và Tâm đã in được 23-26 dấu đỏ giả các loại để đưa cho ông Tài. Khi có người muốn “chạy” vào các trường, cơ quan trên, ông Tài và “đồng nghiệp” Giang yêu cầu phải chuyển tiền trước. Họ sẽ chỉ chuyển giấy thông báo có chữ ký, dấu đỏ khi nhận được hết tiền.
Các siêu lừa này còn dùng nhiều sim và số điện thoại để đóng các vai khác nhau. Cả hai vẽ ra các tên tuổi, chức danh điện thoại để “trấn an” những khách hàng của mình. Để tránh bị lộ, ông Tài và Giang yêu cầu chuyển tiền theo nhiều cách khác nhau như: gửi qua ôtô khách, ngân hàng, nhờ người khác nhận hộ…
Tính đến thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, ông Tài và đồng phạm đã thực hiện trót lọt lừa 17 trường hợp, với số tiền chiếm đoạt 1,96 tỷ đồng. Hiện, ông này mới khắc phục được 500 triệu đồng cho các nạn nhân.
Các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội. Chiều ngày 25/2, HĐXX đã tuyên phạt ông Tài 13 năm tù, Giang 8 năm tù, Tâm 24 tháng 2 ngày và được trả tự do tại tòa, Loan 30 tháng tù giam.
Ý kiến ()