Các sàn giao dịch châu Á nhuộm sắc đỏ sau tuyên bố của ông Trump
Trong phiên giao dịch sáng 12/63, trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei chuẩn đã giảm 5,42 % (hay 1.051,88 điểm) xuống 18.364,18 điểm trong khi chỉ số Topix giảm 5,06%.
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt lao dốc sau tuyên bố vào sáng 12/3 (giờ Việt Nam) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ hoàn toàn mọi hoạt động đi lại từ các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 12/63, trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei chuẩn đã giảm 5,42 % (hay 1.051,88 điểm) xuống 18.364,18 điểm trong khi chỉ số Topix giảm 5,06% (hay 70,15 điểm) xuống 1.314,97 điểm chỉ một giờ đồng hồ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Chỉ số ASX của Australia cũng giảm 5,4% trong khi chỉ số chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3% vào lúc bắt đầu phiên giao dịch ngày 12/3.
Trong khi đó, giá dầu mỏ đã giảm khoảng 6%. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 6,2% xuống 31 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 5,8% xuống dưới 34 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán sụt giảm là do chịu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan mạnh với diễn biến phức tạp và cuộc chiến về giá dầu mỏ.
Theo hãng tin Bloomberg, Iraq, Kuwait và UAE đã tiếp nối Saudi Arabia tuyên bố giảm giá bán dầu. Iraq sẵn sàng giảm giá bán dầu thô trong tháng 4/2020 ở mức 5 USD/thùng đối với các khách hàng châu Á trong khi Kuwait tuyên bố giảm giá 6 USD/thùng. Ngoài ra, Iraq có kế hoạch tăng nguồn cung dầu trong tháng 4/2020. Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi thông báo ý định tăng sản lượng dầu vào tháng tới, điều này cũng sẽ gây sức ép đối với giá bán dầu mỏ.
Thị trường dầu mỏ vốn đã chịu sức ép sau khi Saudia Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu mỏ. Động thái này được cho là sẽ làm dầu mỏ tràn ngập thị trường sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, bao gồm cả Nga, không đạt được một thỏa thuận chung nào vào cuối tuần qua.
Nga đã không ủng hộ thỏa thuận cắt giảm mạnh hơn sản lượng dầu mà OPEC đề xuất tại cuộc họp ngày 6/3. Theo Nga, hai kịch bản đã được thảo luận tại các cuộc thảo luận bao gồm kịch bản thứ nhất (mà Moskva chủ trương) là tiếp tục giữ nguyên sản lượng dầu cắt giảm như thỏa thuận hiện có, và kịch bản thứ hai (được Saudi Arabia thúc đẩy) là cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu. Tuy vậy, các bên đã không đi đến một quyết định thống nhất./.
Ý kiến ()