Các sàn đấu giá ngoại bày bán tràn lan tranh Việt bị làm giả
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định tranh Đông Dương nói riêng và tranh Việt Nam nói chung sẽ bị mất giá và mất niềm tin trên trường quốc tế nếu tranh giả vẫn tiếp tục tràn lan.
Cuối tháng 9/2021, các nhà nghiên cứu mỹ thuật tại Việt Nam đã lên tiếng “tố” nhiều sàn đấu giá quốc tế đăng bán tranh Đông Dương giả.
Khoảng đầu tháng 10, hai sàn Sotheby’s và trung tâm đấu giá Drouot đã gỡ một số tác phẩm trước khi buổi đấu giá chính thức diễn ra vào các ngày 10/10 và 16/10 tới đây.
Nhiều tranh giả bị gỡ khỏi sàn đấu giá
Trước động thái rút tranh của hai sàn đấu giá nói trên, nhà nghiên cứu Lê Huy Tiếp gọi đây là “một thắng lợi nhỏ,” nhất là khi nạn tranh giả vẫn còn hoành hành
Trước đây vào năm 2019, sàn đấu giá Sotheby’s từng gỡ hai tranh nghi giả Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn. Năm 2020, nhà Tajan (Pháp) cũng rút 5/6 tranh nghi giả Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, cả hai lần đều xuất phát từ phản ứng của dư luận tại Việt Nam.
Cuối tháng 9/2021, tranh Đông Dương giả tràn lan trên các sàn đấu giá gây bức xúc nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Nhà nghiên cứu Lê Huy Tiếp đặt nghi vấn Bùi Xuân Phái bị giả 6 tranh, Lê Phổ bị giả 1 tranh trên trung tâm đấu giá Drouot (Pháp).
Ngày 28/9, ông Lê Huy Tiếp cho biết đã thông qua một nhà nghiên cứu mỹ thuật tại Pháp để truyền tải nỗi bức xúc tới Drouot. Hiện nay, sàn đấu giá này đã rút 3 tranh giả Bùi Xuân Phái, nhưng để lại 3 bức khác vẫn đề tên Bùi Xuân Phái, một bức đề tên Lê Phổ trên website đồng thời cho biết “sẽ không bán, chỉ không thu hồi tất cả tranh để tránh xúc phạm chủ sở hữu.”
Ngày 26/9, họa sỹ Nguyễn Bình Minh (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – nơi đang trưng bày tranh sơn mài “Nhà tranh gốc mít” gốc của Nguyễn Văn Tỵ) khẳng định tấm bình phong sơn mài tên “Nhà tranh gốc mít” trên website của Sotheby’s Hong Kong là giả. Đến ngày 5/10, bức bình phong được gỡ xuống.
Vào ngày 1/10, bức “Trà đàm” của Mai Trung Thứ được đấu giá thành công ở mức gần 15 tỷ đồng trên sàn của Aguttes. Điều này làm dư luận nhớ lại trước đây cũng có hai bức “Trà đàm” khác từng được bán, dù đây là tác phẩm độc bản của Mai Trung Thứ. Đó là “Trà đàm” khác từng xuất hiện ở nhà Sotheby’s các năm 2004 và 2020 nhưng bị giới phê bình Việt Nam cho là tranh giả.
Bên cạnh đó còn một số tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” cũng bị nghi giả tranh Mai Trung Thứ sắp được đưa ra trên sàn Tajan (Pháp) ngày 13/10 tới đây. Trong các năm trước đó, câu chuyện chép/làm giả tranh Đông Dương từ cả trong và ngoài nước vốn đã làm nhiều lần làm nóng dư luận. Năm 2017 còn có vụ lùm xùm 17 tranh Việt hồi hương nhưng toàn bộ đều bị phát hiện là tranh giả.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Huy Tiếp nhận định từ khi tranh trở thành thú chơi của những người có tiền thì rất nhiều người, kể cả người trẻ cũng có thể trở thành nhà sưu tầm. “Nếu nói về đầu tư nghệ thuật thì hàng chục năm nay chưa có gì lên giá như tranh, đặc biệt là tranh Đông Dương vì tính độc bản, ghi dấu đời sống lịch sử rõ nét,” ông nhận xét.
Tranh thật sẽ bị mất giá
“Không nhà sưu tầm nào muốn là người bị lừa cuối cùng,” một nhà nghiên cứu nhận định. “Một người mua phải tranh giả sẽ tiếp tục bán đi để lừa người khác, thường là cố gắng bán giá cao hơn mình mua vào. Tranh giả-thật vì thế càng lúc càng giống một mớ bòng bong.”
Trên thực tế, giới chuyên môn có thể tự xác định đâu là tranh thật-giả nhờ phân tích phong cách, bút pháp nghệ thuật, cảm xúc biểu đạt trong tranh… Song bằng phương pháp khoa học, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết có cách xác định niên đại của tranh bằng đồng vị carbon 14, dùng phương pháp quản lý hiện đại bằng số hóa, hệ thống hóa thành thư viện số… Song vấn đề lớn nhất là chúng ta chưa có chế tài.
“Cách xử lý thì là vậy, nhưng làm xong để làm gì? Ai xử? Chúng ta thiếu một tầm đầu tư vĩ mô và phương pháp khoa học để làm bởi đây là công việc tập thể, làm trong 5-10 năm và có thể tốn tới hàng trăm tỷ đồng,” ông Lý Đợi nhận xét.
Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt như Ace Lê (Singapore), Lê Huy Tiếp (Việt Nam), Ngô Kim Khôi – cháu ngoại cố họa sỹ Nam Sơn (Pháp) và nhiều họa sỹ trong , ngoài nước khác đang liên tục sử dụng mạng xã hội để lên tiếng về các nghi vấn tranh giả để từ đó phản hồi tới các nhà đấu giá.
Ông Lê Huy Tiếp cho rằng đây là động thái đúng đắn, giới nghiên cứu mỹ thuật cần chung tay, góp tiếng nói thường xuyên hơn để đánh động dư luận, kéo sự quan tâm của cộng đồng vào vấn đề này.
Cho tới nay, Việt Nam chưa có Luật Mỹ thuật mà chỉ hoạt động dưới Nghị định 113/NĐ-CP năm 2013 về quản lý hoạt động mỹ thuật. Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá nghị định chưa thể hiện được đầy đủ tính khả thi của luật pháp, mà mới chỉ đáp ứng được một phần bối cảnh hiện tại, trước mắt của hoạt động mỹ thuât hiện nay.
“Như vậy chúng ta chưa có cơ chế xử phạt người nước ngoài tiếp tay tranh giả, trong khi tranh giả vẫn tiếp tục lợi dụng các sàn đấu giá quốc tế lớn như Sotheby, Christie… hoặc tên tuổi của cố vấn nghệ thuật lớn để nâng giá,” ông Đoàn khẳng định.
Khẳng định tranh giả đang làm méo mó thế hệ vàng, ông Lương Xuân Đoàn khẳng định tranh Đông Dương nói riêng và tranh Việt Nam nói chung sẽ bị mất giá và mất niềm tin trên trường quốc tế nếu tranh giả vẫn tiếp tục tràn lan.
Ông trông chờ hành lang pháp lý đầy đủ hơn khi Luật Mỹ thuật được ra đời trong một vài năm tới đây. “Hiện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang soạn thảo. Nội dung quy định trong luật này cần được cụ thể hóa, giúp xử lý được những vấn đề mà nghị định 113 chưa giải quyết được,” ông Đoàn cho biết./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()