Các quốc gia hỗ trợ người lao động trước tác động của dịch Covid-19: Bảo vệ đối tượng dễ tổn thương
Dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc thị trường lao động thế giới. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất lại phải gánh chịu tác động kinh tế nặng nề nhất, đặc biệt là khoảng 2 tỷ lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn cầu. Khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các biện pháp ổn định cuộc sống cho người lao động cũng là cơ sở quan trọng góp phần cho thành công của cuộc chiến chống dịch và giúp kinh tế thế giới sớm phục hồi.
Ước tính trong số 5 lao động trên toàn cầu thì có 3 người làm việc trong khu vực phi chính thức. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động phi chính thức chiếm 90% tổng số việc làm ở các nước có thu nhập thấp, 67% ở các nước có thu nhập trung bình và 18% ở các nước có thu nhập cao. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc, xây dựng, sản xuất, bán lẻ, thương mại… Nhiều người trong số họ có thu nhập thấp và không thường xuyên, giờ làm việc không được kiểm soát và thiếu các chính sách bảo trợ. Một số công việc phi chính thức không thể làm trực tuyến hay trong điều kiện giãn cách xã hội. Có thể lấy ví dụ, 72% lao động giúp việc gia đình trên khắp thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 và 76% trong số họ làm việc phi chính thức.
Tháng 7 vừa qua, ấn phẩm về các chính sách cho lao động khu vực phi chính thức do Tổ chức Phụ nữ với việc làm phi chính thức đã được xuất bản. Theo ấn phẩm này, 2 tỷ lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, chiếm 61% lực lượng lao động toàn cầu gặp trở ngại trong việc tiếp cận với một phần hoặc tất cả các khía cạnh của hệ thống bảo trợ, như bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, nghỉ ốm và nghỉ chăm sóc con nhỏ có trả lương, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu… Điều này đã dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về thu nhập, tăng nguy cơ mất an ninh lương thực và nạn đói, gia tăng tính dễ bị tổn thương trước đại dịch Covid-19 cũng như những cú sốc trong tương lai.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với sinh kế của lao động khu vực phi chính thức, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhanh chóng đưa ra hành động trợ giúp. Chương trình Hội nhập và hòa nhập khu vực (WURI) do Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) hỗ trợ hiện đang giúp xây dựng các nền tảng cần thiết tại nhiều quốc gia châu Phi như Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Guinea, Niger, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho hàng triệu người. Trước cuộc khủng hoảng toàn diện do đại dịch Covid-19, chương trình đã nhanh chóng mở rộng hoạt động bảo trợ xã hội thông qua các nền tảng linh hoạt, bao gồm hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động phi chính thức bằng tiền mặt và nhiều hình thức khác.
Cuối tháng 6, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua chương trình trị giá 500 triệu USD, bao gồm nỗ lực hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức của Ấn Độ ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các cú sốc thiên tai. Tại Brazil, bắt đầu từ tháng 4-2020, Chính phủ đã giới thiệu Auxilio Emergencial (AE), một khoản trợ cấp tiền mặt khẩn cấp cho những người không làm công ăn lương chính thức và không đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội. Mặc dù chương trình kết thúc vào tháng 12-2020, nhưng sau đó Chính phủ Brazil đã tiếp tục thực hiện vòng hỗ trợ mới vào tháng 4-2021 và kéo dài trong nhiều tháng.
Năm 2021 đã đi qua hơn nửa chặng đường, song số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng chóng mặt và tốc độ lây lan chưa có dấu hiệu chậm lại. Việc bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng dễ bị tổn thương vẫn luôn là vấn đề cấp bách, giúp tăng cường sức chống đỡ của cả cộng đồng trước mối nguy hiểm của dịch bệnh.
Ý kiến ()