Các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược học tập suốt đời
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam tham gia hội thảo. |
Khái niệm học tập suốt đời, được giới thiệu trong báo cáo của UNESCO mang tựa đề Học để làm người (1972), đã được công nhận trên khắp thế giới là tất cả các hình thức học tập “kể từ thuở nằm nôi đến khi từ giã cõi đời”, bao gồm học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy. Nó chú trọng đến tam giác gồm kiến thức, kỹ năng và năng lực, nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, phát triển cá nhân, công dân tích cực và hòa nhập xã hội.
Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập và bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng các chuyên gia thuộc Viện học tập suốt đời UNESCO. 150 đại biểu tham dự hội thảo bao gồm 110 đại biểu của Việt Nam thuộc các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, viện nghiên cứu và các trường đại học, đại diện cấp tỉnh, thành phố; hơn 20 đại biểu thuộc các quốc gia Đông Nam Á và 20 đại biểu thuộc các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực học tập suốt đời.
Trong quá trình diễn ra hội thảo trong thời gian 2 ngày, các nhà hoạch địch chính sách, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và những người làm công tác chuyên môn từ các quốc gia Đông Nam Á sẽ cùng nhau: Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện đề xuất khung chính sách quốc gia học tập suốt đời; Xác định các chiến lược hiệu quả và bài học thu được trong việc thiết lập hệ thống học tập suốt đời; Xây dựng một văn bản vận động chính sách cấp khu vực về chính sách và chiến lược học tập suốt đời…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Những kiến nghị, đề xuất và kết luận tại hội thảo là cơ sở để báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 3 – 2013 và cũng trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung chính sách quốc gia về học tập suốt đời hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản , toàn diện nền giáo dục Việt Nam.”
Bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng để mỗi cá nhân có thể tiếp cận với giáo dục để nâng cao kỹ năng thì cần có sự đóng góp của cả hai loại hình giáo dục công và tư, tiến tới kiểm định kết quả giáo dục không chính quy và phi chính quy.
Ngoài ra phải tăng cường chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi công dân mà không có bất kỳ sự loại trừ nào. “Học cách học, cách giải quyết vấn đề, tham gia tích cực và chủ động cũng như tư duy phân tích là những kỹ năng và năng lực cốt lõi cần thiết đối với mọi người trong toàn khu vực. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân; nó còn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của khu vực.” bà cho biết.
Ý kiến ()