Các nước ủng hộ nỗ lực của Nga và Mỹ giải quyết vấn đề Xyri
Giải pháp cho vấn đề Xyri đã đạt bước tiến đáng kể trên phương diện ngoại giao, khi Nga và Mỹ đã nhất trí cùng thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, theo đó tổ chức một hội nghị quốc tế về Xyri.
Giải pháp cho vấn đề Xyri đã đạt bước tiến đáng kể trên phương diện ngoại giao, khi Nga và Mỹ đã nhất trí cùng thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, theo đó tổ chức một hội nghị quốc tế về Xyri.
Đề xuất chung nói trên đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Mátxcơva của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Keri (John Kerry) ngày 7/5 vừa qua. Giới chức hai nước nhất trí sẽ khuyến khích Chính phủ Xyri cũng như các nhóm đối lập tìm kiếm một giải pháp chính trị. Dự kiến Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để đến cuối tháng Năm này tổ chức một hội nghị quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Xyri.
Sáng kiến trên đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ nhiều nước. Bộ Ngoại giao Pháp ngày 10/5 đã ra tuyên bố hoan nghênh cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) và Ngoại trưởng Mỹ Giôn Keri về mục tiêu đạt được hòa giải thông qua đối thoại tại Xyri. Tuyên bố nhấn mạnh Pháp ủng hộ giải pháp hòa bình, coi đây là ưu tiên hàng đầu cho vấn đề Xyri, song không chấp nhận việc Tổng thống Basa An Átxát (Bashar al-Assad) tiếp tục tại vị.
Cũng trong ngày 10/5, Phó Tổng thống Iran Môhammát Giava Môhamadidát (Mohammad-Javad Mohammadizadeh) cho biết nước này hoan nghênh đề xuất của Mỹ và Nga về một hội nghị quốc tế bàn về chấm dứt xung đột tại Xyri, đồng thời bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ được tiến hành tại Giơnevơ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) đã có cuộc hội đàm ngày 10/5 với Thủ tướng Anh Đavít Camêrôn (David Cameron) đang ở thăm Nga. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp nỗ lực nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Xyri, mặc dù thừa nhận hai bên có những khác biệt về đường hướng giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Ông Camêrôn nhấn mạnh các nỗ lực quốc tế “không chỉ nhằm đưa chính quyền và phe đối lập vào bàn đàm phán, mà Anh, Nga, Mỹ cùng các nước khác phải giúp đỡ hình thành một chính phủ mà tất cả các bên ở Xyri có thể tin cậy”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xécgây Lavrốp (Sergei Lavrop) đang ở thăm Ba Lan cùng ngày khẳng định Mátxcơva không có kế hoạch mới bán hệ thống phòng không của nước này cho Xyri, song sẽ hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đây, cho rằng việc này phù hợp với luật pháp quốc tế và chỉ phục vụ mục đích phòng vệ của Xyri.
Ông Lavrốp hiện có mặt tại Vácxava (Warsaw) để tham dự cuộc họp với hai người đồng cấp Đức và Ba Lan. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Guiđô Véttơvenlơ (Guido Westerwelle) cũng nhấn mạnh phải ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tại Xyri, khẳng định một thỏa thuận chính trị là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Trung Đông này.
Tại Oasinhtơn cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Keri một lần nữa khẳng định có bằng chứng về việc vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến tại Xyri.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, có các bằng chứng rõ ràng về việc Chính phủ Xyri sử dụng vũ khí hóa học và Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) đã yêu cầu điều tra kỹ lưỡng các thông tin tình báo trước khi đưa ra các bước đi tiếp theo.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Amét Đavutôglu (Ahmet Davutoglu) cho biết các xét nghiệm đối với những người bị thương trong cuộc xung đột tại Xyri chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các lực lượng Xyri đã sử dụng vũ khí hóa học và Ancara đang tiến hành xét nghiệm thêm để xác định việc này.
Tuyên bố trên của giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trái với kết quả điều tra mới đây của LHQ, theo đó khẳng định không có bằng chứng xác thực nào về việc cả hai bên trong cuộc xung đột ở Xyri sử dụng vũ khí hóa học.
Liên quan đến cuộc chiến tại Xyri, các nguồn tin ngoại giao ngày 10/5 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ đưa nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra ở Xyri, bị cáo buộc có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, vào danh sách trừng phạt trong tuần tới. Theo đó, các tài sản của nhóm này sẽ bị phong tỏa trên toàn cầu từ ngày 13/5.
Nhóm Hồi giáo thánh chiến trên là một trong những lực lượng chính tham gia cuộc chiến tại Xyri và bị cáo buộc là thủ phạm của hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào các cơ quan chính phủ và dân thường. Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Basa An Átxát đã yêu cầu HĐBA LHQ đưa Mặt trận al-Nusra vào danh sách trừng phạt, nhưng Anh và Pháp – hai nước vốn không công nhận chính quyền Đamát – phản đối động thái này. Tuy nhiên, Luân Đôn và Pari vừa gửi hai đơn riêng rẽ lên ủy ban trừng phạt Al-Qaeda của HĐBA chấp thuận việc này, và biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 13/5.
Trước đó, Mỹ đã đưa Mặt trận al-Nusra vào danh sách tổ chức khủng bố sau khi nhóm này liên kết với nhánh al-Qaeda tại Irắc, trong bối cảnh yếu tố Hồi giáo cực đoan đang ngày càng gia tăng trong cuộc xung đột kéo dài ở Xyri, gây quan ngại cho toàn khu vực và các nước phương Tây, đồng thời gây chia rẽ sâu sắc giữa người Hồi giáo dòng Xănni (Sunni) và Siai (Shi'ite) ở Trung Đông.
Theo CPV
Ý kiến ()