Các nước ủng hộ giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan đưa ra thông cáo về phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi là Tòa Trọng tài), trên cơ sở đề nghị của Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, nhiều nước, tổ chức khu vực và quốc tế đã đưa ra các phản ứng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh có các hành động làm gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc X.Đu-gia-rích cho biết, ông Ban Ki Mun đã biết về phán quyết của Tòa và đã liên tục kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và hòa giải thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, trong khi đối thoại đang tiếp diễn thì các bên cần phải tránh không thực hiện các hành động gia tăng thêm căng thẳng. Ông cũng hy vọng rằng, việc tham vấn đang tiếp diễn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sẽ dẫn tới sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các bên có tranh chấp tại Biển Đông.
* Ma-lai-xi-a kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế nhằm tránh làm leo thang căng thẳng sau phán quyết của Tòa, theo đó bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a nêu rõ, Ma-lai-xi-a nhận thức rằng, điều quan trọng là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định bằng cách tự kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp hay làm leo thang căng thẳng và tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Ma-lai-xi-a cho rằng, Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để phát triển các cuộc đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách lành mạnh, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình, an toàn và an ninh của khu vực. Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a cũng kêu gọi tất cả các bên bảo đảm thực thi hiệu quả DOC và sớm ký COC.
* Hàn Quốc kêu gọi thực hiện “các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo” để giải quyết tranh chấp về Biển Đông sau khi PCA nêu phán quyết của Tòa Trọng tài. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, nước này luôn duy trì quan điểm rằng, tranh chấp cần được giải quyết phù hợp những thỏa thuận có liên quan, cũng như các quy định của quốc tế; tái khẳng định lập trường là hòa bình, ổn định và tự do hàng hải cũng như hàng không cần được bảo đảm tại khu vực Biển Đông – tuyến đường thương mại hàng hải chủ chốt.
* Trang thông tin của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đăng tuyên bố của phía Ấn Độ cho biết, Ấn Độ ghi nhận phán quyết của Tòa là theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS. Ấn Độ cho rằng, các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ hối thúc tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với UNCLOS, công ước tạo ra trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương.
* Ngày 13-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đ.Tu-xcơ hy vọng, phán quyết của Tòa sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này. Phát biểu ý kiến tại thủ đô Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc để tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 18 giữa Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu (EU), Chủ tịch Tu-xcơ cho biết, giới chức lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về vụ kiện của Phi-li-pin liên quan những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định, EU hoàn toàn tin tưởng vào Tòa và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để “tạo ra một động lực tích cực” trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Chủ tịch EC cũng cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
* Trong khi đó, cũng tại Bắc Kinh, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Ph. Mô-ghê-ri-ni cho biết, EU kêu gọi tất cả các bên tôn trọng những quyết định về luật pháp và ủng hộ UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải.
* Từ thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ, Nhà trắng tuyên bố, phán quyết của Tòa rằng, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông cần được coi là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý. Người phát ngôn Nhà trắng G.Ơ-nét tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn sẽ kêu gọi tất cả các bên không sử dụng điều này (phán quyết của Tòa) như một cơ hội để thực hiện các hành động làm leo thang hay khiêu khích”.
* Ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 Hi-la-ri Clin-tơn đã hoan nghênh phán quyết của Tòa trong vụ Phi-li-pin kiện về các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh vùng biển này có ý nghĩa “then chốt” đối với nền kinh tế Mỹ. Trong một tuyên bố, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Mỹ có lợi ích lớn và lâu dài tại Biển Đông cũng như đối với hoạt động thương mại không bị ngăn cản. Do vậy, việc hoạt động thương mại tự do tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế nước này. Điều quan trọng là tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết trên và tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Cố vấn của ứng cử viên tranh cử tổng thống bên phía đảng Cộng hòa Đ.Trăm cho biết, ông Trăm cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng phán quyết của Tòa trong vụ kiện của Phi-li-pin.
* Ngày 13-7, Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a G.Bi-sốp kêu gọi Phi-li-pin và Trung Quốc tuân theo quyết định của Tòa vì “đó là phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên”. Bà Bi-sốp kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế hành vi cưỡng chế và hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp; cho rằng tất cả các quốc gia có yêu sách đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bà cũng nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Đông Á và phán quyết của Tòa là một trường hợp thử nghiệm quan trọng cho khu vực trong quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.
* Ngày 13-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu ý kiến cho rằng, những điều mà chính quyền Phi-li-pin khóa trước đệ trình Trọng tài liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là không thuộc quyền tài phán của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); liên quan đến phân định quyền lợi biển, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố bảo lưu loại trừ tài phán theo Điều 298 của Công ước.
* Giới nghị sĩ, học giả và truyền thông tại Ca-na-đa hoan nghênh về nội dung phán quyết của Tòa, đồng thời hy vọng các bên liên quan sẽ thực thi nghiêm văn kiện này. Thượng nghị sĩ Ca-na-đa C.En-vê-ga ra thông cáo báo chí bày tỏ hài lòng đối với phán quyết nhất trí của Tòa đối với bảy trong số 15 điểm đệ trình của Phi-li-pin. Nhà báo tự do B.Cam-beo cho rằng, đây là một phán quyết quan trọng cho Phi-li-pin; nhấn mạnh, mặc dù Trung Quốc không hài lòng với phán quyết của Tòa, nhưng ông vẫn hy vọng những cam kết mới nhất của ban lãnh đạo nước này về giải pháp hòa bình cho tranh chấp với các nước láng giềng sẽ trở thành sự thật.
* Ngày 13-7, Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, Trung Quốc sẽ cân nhắc việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nhằm ứng phó những mối đe dọa ngày càng gia tăng nhằm vào Trung Quốc. Thứ trưởng Lưu Chấn Dân yêu cầu các nước không nên “nhân cơ hội này để đe dọa Trung Quốc” và hy vọng họ sẽ hợp tác với Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ trước khi ông Lưu Chấn Dân công bố Sách Trắng tựa đề “Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Phi-li-pin”. Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cũng nói thêm, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Chính phủ mới của Phi-li-pin và khẳng định việc sớm loại bỏ những trở ngại từ phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai bên.
* Ngày 13-7, Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin P.Y-a-xay tuyên bố, nước này để ngỏ khả năng có các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc thực thi phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài về tranh chấp tại Biển Đông liên quan hai nước này và các bên khác. Ông Y-a-xay nhấn mạnh, Chính phủ Phi-li-pin sẽ trình bày rõ ràng các bước tiếp theo nhằm bảo đảm rằng phán quyết của Tòa sẽ được thực thi một cách hòa bình. Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Phi-li-pin, trước khi phán quyết của Tòa được công bố, Ma-ni-la và Bắc Kinh đã cam kết không tiến hành các hành động khiêu khích.
* Xoay quanh phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan vụ Phi-li-pin kiện về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là chủ đề xuyên suốt cả bốn phiên thảo luận tại Hội thảo Biển Đông hằng năm lần thứ sáu, diễn ra tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ), ngày 12-7. Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, học giả quốc tế ca ngợi phán quyết của Tòa, trong khi một số học giả Trung Quốc dù có những phát biểu mềm mỏng hơn song vẫn cảnh báo rằng, phán quyết có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Nhìn chung, các học giả đánh giá phán quyết này có ý nghĩa bước ngoặt đối với việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, các chuyên gia, học giả một lần nữa cho rằng, các hoạt động quân sự hóa thời gian qua đang làm thay đổi nguyên trạng và hủy hoại môi trường tại Biển Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()